• Các thành viên chú ý, NHT trở lại vẫn giữ những thông tin cũ, bao gồm username và mật khẩu. Vì vậy mong mọi người sử dụng nick name(hoặc email) và mật khẩu cũ để đăng nhập nhé. Nếu quên mật khẩu hãy vào đây Hướng dẫn lấy lại mật khẩu. Nếu cần yêu cầu trợ giúp, xin liên hệ qua facebook: Le Tuan, Trân trọng!

Y tế - Môi trường và Sức khỏe cộng đồng

Theo bạn, dưới những tác động môi trường như vậy, các nhà máy thủy điện n

  • Tiếp tục cho thực hiện

    Votes: 1 33.3%
  • Không cho thực hiện

    Votes: 0 0.0%
  • Ý kiến khác

    Votes: 2 66.7%

  • Total voters
    3

haulytieulong

Điều Hành Viên
#1
Chơi trò "luyện chưởng", một học sinh thiệt mạng
8:00, 24/10/2007
7h40' ngày 22/10/2007, tại Trường Trung học cơ sở Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã xẩy ra một vụ án mạng rất thương tâm. Nạn nhân là em Tôn Đức Khánh (14 tuổi, đang học lớp 9) bị bạn cùng lớp đâm thanh sắt vào, ngực trúng tim gây tử vong trên đường đi cấp cứu.
Nguyên nhân vụ án bước đầu được xác định như sau: Trong giờ nghỉ giải lao, 2 em Trần Xuân Hoàng và Tôn Đức Khánh nô đùa nhau theo “kiểu hành động như phim chưởng”. Tôn Đức Khánh tay cầm vật dụng dùng để hốt rác bằng kim loại làm “bia đỡ” còn Trần Xuân Hoàng thì tay cầm thanh sắt dùng để khoá ngang cửa tấn công.

Không may, khi Hoàng vung tay đâm thẳng về phía Khánh thì cũng đúng lúc Khánh giáp người vào, thanh sắt oan nghiệt đã đâm trọn vào ngực Khánh.

Ngay sau đó, gia đình Trần Xuân Hoàng đã đưa em lên Công an huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đầu thú.

Được biết, gia đình 2 em Hoàng và Khánh có bà con họ hàng thân thuộc với nhau. Hoàng và Khánh là đôi bạn rất thân với nhau và rất chăm ngoan, học giỏi.

Tại cơ quan Công an, Hoàng ân hận nói trong nước mắt: Do xem nhiều phim chưởng nên cả em và Khánh thường xuyên dùng gậy tập luyện … “múa võ”, không ngờ lại làm cho Khánh chết.

Hiện Công an huyện Cẩm Xuyên đang hoàn tất hồ sơ vụ án



Hồng Phú

(nguồn:cand.com.vn)
 

Mr.Tony

Thành viên
#2
Xé lòng “rốn bệnh” Cầu Sơn

(Dân Trí) - Trong xóm nghèo chưa đầy 100 hộ dân này mà có gần 20 chục người mắc bệnh câm, điếc, tâm thần; còn chứng bệnh sỏi thận thì không đếm hết. Cứ mỗi năm trôi qua, danh sách những người bị chết dù tuổi đời còn rất trẻ ở xóm nghèo này lại được nối dài thêm.

Căn nhà tre nứa tạm bợ của đôi vợ chồng ông Liệu, bà Mai, xóm Cầu Sơn, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh trống trơ, bao phủ xung quanh là cỏ dại. Chứng kiến 3 đứa con bệnh tật, nheo nhóc, cười ngơ ngác đứng trong góc nhà, một đồng nghiệp của chúng tôi đã phải thốt lên, có nỗi khổ nào hơn thế nữa!



Ở độ tuổi ngoài 30 nhưng người con cả Trần Thị Xuân (sinh năm 1973) trông ngây ngô, khờ dại, nhếch nhác trong bộ đồ rách rưới, đầu tóc xõa kín mặt. Thi thoảng chị lại giơ cánh tay lên gào thét rồi cười nói một mình.



Người con thứ 2, chị Trần Thị Thìn (sinh năm 1976) người gầy khô, chân tay khẳng khiu, yếu ớt, nằm co giật bất động trên giường. Người con út Trần Thị Phương (sinh năm 1983) cũng chẳng khá hơn. Phương ngơ ngác nhìn mọi người rồi vù một mạch ra sau vườn đùa dỡn với cỏ cây.



Bà Mai gầy còm, khuôn mặt nhăn nheo ứa nước mắt nhìn con. “Lúc trước chúng đều khỏe mạnh, học được, nhưng đến chừng lớp 8 thì cả 3 đứa đều mang bệnh hiểm nghèo, đứa bị điên, đứa câm điếc. Tui đau như xé lòng mà nỏ biết mần răng”, bà Mai thốt lên trước tai họa của gia đình.



Thương con, đôi vợ chồng nghèo đã gắng tìm thuốc, tìm thầy chữa trị. Gia đình bà cũng đã bán đi những thứ đáng bát gạo đồng tiền trong nhà nhưng thời gian trôi, sức lực giảm sút mà bệnh của con chẳng tiến triển gì. Cuộc sống của 3 đứa con rồi chẳng biết sẽ ra sao khi nay mai vợ chồng bà Mai ốm yếu?



Cùng chung cảnh ngộ là gia đình ông La Văn Tam. Gần 20 năm nay đứa con trai La Văn Sơn (SN 1960) bị bệnh tâm thần phải nhốt biệt lập trong cũi sắt gần. Anh Sơn trước đây là một thanh niên đàn hay, hát giỏi, học xong 12 rồi đi bộ đội tại Biên Hòa - Đồng Nai. 5 năm hoàn thành nhiệm vụ, Sơn trở về quê sinh sống. Hạnh phúc chưa được bao lâu thì mấy năm sau Sơn phát bệnh tâm thần.



Ông Tam đã đưa con đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh mỗi ngày mỗi nặng, chữa không được. Để tránh gây tai họa cho người khác, buộc phải nhốt Sơn trong cũi sắt không cho ra ngoài. Mười mấy năm Sơn ăn, ngủ, vệ sinh trong căn chòi giam đó!



Chị La Thị Quyết, chị gái duy nhất còn lại nuôi em trai La Văn Sơn cho biết: “Nhà tui, dòng họ trước kia đến giờ không ai bị thế này, đưa đi chữa khắp nơi rồi cũng không khỏi”.



Lâm vào hoàn cảnh thương tâm này còn có nhiều gia đình khác như ông La Cẩm, ông Võ Đình Tuấn… đều có con bị câm điếc nặng không thể tự lo được cho bản thân. Không những gia đình có con bị bệnh (câm điếc) mà cả những gia đình khác cũng đang hoang mang về các căn bệnh ung thư quái ác. Nhiều người đã chết vì bệnh ung thư: Ông Nguyễn Quang Hậu (60 tuổi), anh Lê Văn Đức (40 tuổi)… chết do ung thư phổi; anh Võ Đình Lục chết vì ung thư gan…



“Đây là xóm có số lượng người mắc căn bệnh quái ác nhiều nhất trong vùng. Trong bán kính chừng 300m mà có 11 người bị câm điếc hoàn toàn. Những người mắc căn bệnh trước lúc sinh ra đều khỏe mạnh bình thường. Lớn lên độ tuổi 15, 16 thì bắt đầu câm, điếc, phát bệnh tâm thần. Nhiều cháu bị chết, lại có cháu phát điên rồi bỏ đi đâu mất tích không tìm ra được”, ông Nguyễn Huy Quang - Bí thư chi bộ xóm, nhẩm tính với chúng tôi.



Không muốn tai họa bệnh tật tiếp tục hoành hành cướp đi mạng sống của con cháu trong làng, người dân Cầu Sơn đã chung sức, thay nhau tìm đến bất cứ địa chỉ nào có thầy, có thuốc cứu chữa. Nhưng hạnh phúc vẫn chưa một lần mỉm cười với họ.



Vòng xoáy bệnh tật vẫn cứ tiếp diễn trong nỗi bất lực của người dân. Trong nỗi tuyệt vọng đó đã sinh ra nhiều câu chuyện chạy chữa cho người thân được đồn thổi mang tính chất mê tín dị đoan. Có gia đình chạy chữa mãi không cứu được con, đành kiếm thầy lang giải cứu. Không ít gia đình nghi ngờ trong làng có ma thuốc độc, ma làng nên âm thầm cúng điếu suốt 3 ngày 3 đêm mà bệnh tật của con vẫn không hề thuyên giảm.



Bệnh không chữa được, lại không biết rõ nguyên nhân nên dân trong vùng rất đỗi hoang mang, lo lắng. Nhiều người dân nghi căn bệnh lạ là do nguồn nước ở đây bị nhiễm hóa chất từ các kho vũ khí từ thời chiến tranh. Bởi chưa có nơi nào như ở Cầu Sơn, nước giếng múc lên nhiều nơi váng nhờn, nước có mùi khét lẹt. Nhiều người muốn xây nương vườn, nhà cửa cũng không giám đào xới vì sợ bom bi, lựu đạn.



Biết là thế, nhưng nhiều đơn thư phản ánh lên chính quyền, cơ quan chức năng với mong muốn tìm nguyên nhân căn bệnh lạ nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Bệnh tật, chết chóc và nỗi lo lắng của người dân Cầu Sơn vẫn tiếp diễn theo tháng ngày...



Văn Dũng - Minh San
 

haulytieulong

Điều Hành Viên
#3
Thầy lang... 9 tuổi?

Thầy lang... 9 tuổi?

(Thứ năm , 01/11/2007, 15:22)
(CATP) Từ đầu niên học đến nay, Thân Văn L. (9 tuổi, học lớp 3 trường làng ở xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) bỗng trở nên nổi tiếng quá cỡ vì người lớn đua nhau đến nhà quì lạy xin “cậu” bốc thuốc trị bệnh. Bệnh nào cũng một bịch lá cây về nấu lấy nước uống, tuy không lấy tiền nhưng bệnh nhân tự nguyện bỏ vào hòm “công đức” đặt ở trong nhà vài chục ngàn tùy ý. Chỉ đến khi chính quyền xuống giải tán số người tụ tập chen chúc ở nhà L. mới biết cái tài chữa bệnh của L. là do chính người nhà đồn thổi, rồi hàng xóm thấy có lợi ở cái khoản dịch vụ hàng quán, giữ xe nên phụ lực thổi thêm, chứ bịch lá “thuốc” uống còn thua nước sâm!

Lợi dụng trẻ em để “buôn thần bán thánh” quả bất nhân!
M.K
 
#4
Giả danh bác sĩ, con nghiện vào viện tiêm các bệnh nhân

Giả danh bác sĩ, con nghiện vào viện tiêm các bệnh nhân

Ngày 4/11, cảnh sát 113 Công an Hà Tĩnh đã bắt Nguyễn Thanh Tùng, 25 tuổi, trú tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Lý do: Tùng là đối tượng nghiện ma túy, giả danh bác sĩ vào tiêm cho một số bệnh nhân đang điều trị tại khoa nội và khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh.
minh họa

Ngày 2/11, Tùng đã trà trộn vào 100 sinh viên y khoa đang thực tập tại đây nhằm trộm cắp tài sản của bệnh nhân.

Tùng mặc áo blouse, tự xưng bác sĩ để tiêm cho nhiều bệnh nhân. Sáng 5/11, bệnh viện tổ chức xét nghiệm HIV cho số bệnh nhân này.
 

haulytieulong

Điều Hành Viên
#5
Hoả hoạn thiêu rụi phòng chứa đồ của học sinh

Hoả hoạn thiêu rụi phòng chứa đồ của học sinh

(Dân trí) - Phòng Giáo dục huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thông tin, đêm 31/10, 3 gian phòng chứa đồ dùng và trang thiết bị học sinh của trường Tiểu học Kỳ Thượng đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Ước tính thiệt hại gần 200 triệu đồng.


Nguyên nhân ban đầu có thể là do chập điện vì hệ thống đường dây điện trên địa bàn huyện bị hư hỏng nặng sau cơn bão số 5. Trước đó ít ngày, nhân viên hành chính của trường đã phát hiện dây điện trên trần nhà bị chập nhưng cho rằng dây bị ôxi hoá nên không báo cho Ban giám hiệu biết.



Sự cố xảy ra khiến hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh trường Kỳ Thượng gặp rất nhiều khó khăn.



MS - VD
(nguồn:Dântrí)
 

Huấn Thạch Đài

Trái tim mùa thu
#6
Mấy ông mua dụng cụ học tập đễu , sợ bi thanh tra nên hủy ấy mà .Tin gì được .. mà dân Kỳ Thượng khổ lắm đó ..
 
#7
bác huanthachdai cứ hay quy cho tiêu cực không hà....có chăng cũng chỉ là lỗi của tâp thể hay hạn chế về nhận thức thôi.hihi:D
 

Huyền Thương

<br><font color=green><B><center><marquee directio
#8
Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp tại Hà Tĩnh

Đoàn giám sát của Bộ Y tế vừa làm việc với ngành Y tế tỉnh Hà Tĩnh về công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tiêu chảy cấp, ngành Y tế Hà Tĩnh đã khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách, đẩy mạnh tuyên truyền 4 khuyến cáo và 6 thông điệp phòng chống dịch tiêu chảy cấp. Ngành cũng đã thành lập ban chỉ đạo, các tiểu ban phòng chống dịch, phổ biến phác đồ điều trị trong toàn ngành...

Sau khi nghe báo cáo việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại Hà Tĩnh, đoàn giám sát đánh giá cao sự chủ động vào cuộc của ngành y tế nói riêng và của tỉnh nói chung. Đồng thời nêu ra những kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp tại một số địa phương. Việc đảm bảo VSATTP trong thời điểm hiện nay là hết sức quan trọng, nhất là ở các điểm chế biến ruốc, mắm sống, các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Đoàn cũng đã kiểm tra công tác chuẩn bị của Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm y tế thành phố. Nhìn chung các đơn vị đều có sự chuẩn bị về cơ sở điều trị, thuốc thiết yếu, dịch truyền... Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là công tác xét nghiệm, thiếu cơ sở điều trị. Ngoài labo xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các cơ sở y tế còn lại đều không đủ trang thiết bị và năng lực xét nghiệm. Bệnh viện đa khoa tỉnh chỉ tiếp nhận được khoảng 100 bệnh nhân, Bệnh viện thành phố khoảng 50 bệnh nhân. Phương án dự phòng của ngành là các trạm y tế phụ cận thành phố sẽ tiếp nhận điều trị bệnh nhân.

Đoàn cũng đã làm việc với Ban quản lý chợ thành phố; lấy mẫu ruốc, mắm sống tại các cơ sở kinh doanh, kiểm tra nguồn nước và kiến thức của người dân, tiểu thương chợ. Qua kiểm tra, phần lớn người bán hàng, người dân vẫn còn rất chủ quan, thờ ơ với dịch. Đoàn kiểm tra đề nghị tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân; hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi để công tác phòng chống dịch được triển khai đạt kết quả tốt nhất.
 

haulytieulong

Điều Hành Viên
#9
BV Đa khoa Hà Tĩnh: Giao bệnh nhân cho... “con nghiện”?

BV Đa khoa Hà Tĩnh: Giao bệnh nhân cho... “con nghiện”?
Thứ ba, 13/11/2007, 11:17 GMT+7
Gần đây, nhiều bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh rất hoang mang vì một số đối tượng nghiện ma tuý đã “sở hữu bệnh viện” để hành nghề trộm cắp, cướp giật. Thậm chí chúng còn giả danh bác sĩ doạ dân lấy tiền và tiêm thuốc đồng loạt cho nhiều bệnh nhân.

>> “Không xét nghiệm máu cho các bệnh nhân bị con nghiện tiêm”
>> Con nghiện giả danh bác sĩ, tiêm cho bệnh nhân

“Bác sĩ” là... đối tượng chích hút

Chiều thứ bảy se lạnh, Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh vắng tanh, không khí sợ hãi bao trùm tất các phòng bệnh nhân. Tại buồng bệnh số 5 thuộc khoa Nội, các bệnh nhân cùng người nhà nằm, ngồi co ro, nét mặt ai cũng lộ rõ sự hoang mang. Chị Hà Thị Nho, người nhà bệnh nhân Hoàng Văn Tuệ (32 tuổi, quê ở xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh) điều trị tại giường bệnh số 14 cho biết: Trước đó chị đã phát hiện một “bác sĩ” đi lại và nằm nhiều giờ liền ngoài hành lang. Thỉnh thoảng, vị bác sĩ này vào đập vai bệnh nhân hỏi thăm và dặn: “Nếu ai cần thì tôi sẽ cho đơn thuốc về điều trị nội trú ở nhà để đỡ tốn kém!”.

Người trong buồng bệnh ai cũng ngờ ngợ vì bác sĩ này có nhiều biểu hiện không bình thường. Mãi đến khi người ta tận mắt chứng kiến vị bác sĩ này đi cùng đoàn học sinh thực tập trường Cao đẳng Y Hà Tĩnh, trong túi có nhiều phong bì và khi nhìn thấy cảnh y tá trong đoàn đưa thuốc nhờ Bác sĩ tiêm cho bệnh nhân thì ai nấy mới tin.


Các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh đã bị "bác sĩ nghiện"...tiêm thuốc

Ông Đào Xuân Cảnh (48 tuổi) quê xã Kim Lộc, huyện Can Lộc nằm ở giường bệnh số 16 kể: “Tôi bị bệnh chảy máu răng, thấy bác sĩ mặc áo bờ lu trắng đi cùng đoàn vào, lấy thuốc từ tay y tá rồi rút xi lanh trong người ra tiêm cho tôi một mũi vào bắp, một mũi vào ven. Buổi chiều, nghe nói ông này bị Công an bắt và bị nghiện nên tôi sợ lắm!”.

Bệnh nhân tiểu đường Võ Tá Châu (56 tuổi) quê xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà nằm ở giường bệnh số 15 bị “bác sĩ” xoa bóp nhiều lần ở chỗ sưng do áp xe. Bệnh nhân Đồng (18 tuổi) quê xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh nằm cùng giường với bệnh nhân Võ Tá Châu bị “bác sĩ” tiêm cho một mũi trước khi ra viện. Cụ Nguyễn Văn Thành (82 tuổi) quê xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà nằm ở giường bệnh 14 được truyền đạm, khi chai đạm đã hết, “bác sĩ” có mặt, rút mũi kim và xoa tay vào nơi vết máu.

Tại buồng bệnh số 6, trong buổi sáng, vị “bác sĩ” này cũng đã tiêm cho 3 bệnh nhân. Bệnh nhân cao huyết áp, Trương Thị Tỷ (70 tuổi) quê xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên nằm ở giường bệnh 19 kể lại: Trước đó 3 ngày, thấy “bác sĩ” mặc áo bờ lu trắng nhưng không có bảng tên đi lại thường xuyên. Có lần “bác sĩ” nói: “Tôi vừa chữa trị cho bệnh nhân vừa phải nuôi cha bị bệnh béo phì nên vất vả. Đêm qua lại phải mổ một ca bệnh hiểm nghèo, mệt quá ngủ quên ngoài hành lang nên bị mất chiếc điện thoại di động” và mân mê chiếc điện thoại di động của con trai bà. Thấy khả nghi, con bà sợ nên ra trình báo với bảo vệ và trốn về nhà. Không hiểu sao sau khi con bà về cho đến khi đối tượng bị bắt, không có người của bệnh viện đến can thiệp và làm rõ sự việc.

Trách nhiệm của Ban Giám đốc bệnh viện

Một người làm nghề chạy xe ôm trước cổng Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cho biết: Bọn nghiện thường ngày vẫn la cà trong bệnh viện.

Gần đây, có một đối tượng giật túi của người nhà bệnh nhân ở Hương Khê cướp 2,5 triệu đồng. Một chị khác làm việc ở Ngân hàng Công thương Hà Tĩnh đưa người nhà đi khám cũng bị đối tượng giật túi lấy đi 1,2 triệu đồng, máy điện thoại di động cùng nhiều giấy tờ quan trọng. Biết đấy nhưng không ai dám kêu bởi bảo vệ bệnh viện có thể biết rõ từng đối tượng, nhưng không hiểu sao họ vẫn để mặc chúng nhởn nhơ, hoành hành. Tìm hiểu, chúng tôi được biết: Đối tượng giả danh bác sĩ là Nguyễn Thanh Tùng (25 tuổi) có hộ khẩu thường trú tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Sáng ngày 3-11-2007, “bác sĩ “ này đã tiêm cho một loạt bệnh nhân ở khoa Nội tổng hợp, sau đó tiếp tục sang thực hiện hành vi này ở khoa Ngoại. Ngay chiều hôm đó, đối tượng Nguyễn Thanh Tùng bị Công an Hà Tĩnh bắt giữ.

Hiện tượng chích hút, trộm cướp của đối tượng nghiện ma túy tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh là có thực và diễn ra từ nhiều năm nay nhưng trò giả danh bác sĩ, khiến những học sinh thực tập cũng tưởng đó là “bác sĩ trong bệnh viện” thì quả thực là trường hợp hy hữu chỉ xảy ra ở Hà Tĩnh.

Dư luận đang đặt câu hỏi: Phải chăng Ban Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh quá thờ ơ trong công tác quản lý. Nguyễn Thanh Tùng là đối tượng nghiện ma túy nặng và rất có thể đã bị nhiễm HIV, nếu số bệnh nhân bị “bác sĩ nghiện” tiêm thuốc dính HIV thì lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào? Câu hỏi này cần được UBND tỉnh Hà Tĩnh làm rõ trước dân!

Theo Ngọc Vượng
(www.tintuconline)
 
#10
Thật kinh khủng và hoảng sợ cho các bệnh nhân đang điều trị nơi đây.chẳng lẽ GD bệnh viện DKHT không có biện pháp nào để ngăn chặn sao?
 
#11
Thủy điện ở Hà Tĩnh: Cảnh báo thảm họa môi trường (Kỳ 1)

Theo quy hoạch của Bộ Công nghiệp về các dự án thủy điện(DATĐ) vừa và nhỏ toàn quốc, các nhà đầu tư đang và sắp tiến hành nhiều DATĐ qui ô vừa và nhỏ tại nhiều địa phương. Hà Tĩnh có DATĐ Hương Sơn đang thi công, Rào Àn 1 và 2, Ngàn Trươi chuẩn bị triển khai…Thủy điện (TĐ) được coi là nguồn năng lượng sạch và rẻ. Nếu như TĐ “ chỉ làm mất một ít đất rừng” và đem lại “ rất nhiều lợi ích” như nhà đầu tư nói, tại sao chính quyền và nhân dân xã Sơn Kim lại “phản đối quyết liệt” và có văn bản kiến nghị không nên thực thi các DATĐ?


Điện năng rất cần thiết, song cái gì cũng có hai mặt. TĐ cung cấp điện năng cho sinh hoạt và phát triển kinh tế, xã hội, song nó có thể gây nên những thảm họa về môi trường, đặc biệt là khi nhà đầu tư chỉ nghĩ đến lợi ích của họ, không xem xét, đánh giá tác động môi trường(ĐTM) đầy đủ. Đối với người dân Hà Tĩnh, các DATĐ chưa công khai minh bạch, vẫn là điều bí ẩn, họ không biết rõ những nhà đầu tư là ai? Những công ty cổ phần này của ai? Người ta vẫn thường kháo nhau về ông nọ, bà kia có cổ phần trong các DATĐ…

Hà Tĩnh có các hồ chứa như Kẻ Gỗ, Sông Rác, TĐ Hương Sơn, TĐ Hố Hô ( thuộc đất Quảng Bình, giáp ranh huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), sắp thi công hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang và có thể thêm TĐ Rào Àn 1 va Rào Àn 2. Với hệ thống hồ có tổng sức chứa hàng tỷ khối nước, nếu xảy ra sự cố vỡ, điều gì sẽ xảy ra đối với Hà Tĩnh? Anh Nguyễn Khoa Thanh, cán bộ kỹ thuật, BQL Dự án Bồi thường hỗ trợ Tái định cư Công trình Thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang cho biết: “ Dung tích hồ Ngàn Trươi 780 triệu mét khối, nếu bị vỡ thì thành phố Hà Tĩnh ngập khoảng 10m”. Những DATĐ “ hạng ruồi’, như Hố Hô: 10MW, Rào Àn: 16MW, Rào Àn 2: 8,1MW, Ngàn Trươi 10MW chưa biết đem lại những lợi ích lớn lao nào cho cộng đồng, nhưng điều chắc chắn là hàng trăm ha rừng sẽ biến mất vĩnh viễn và nguy cơ lũ quét tăng lên rất cao!

Chính quyền và nhân dân ở xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cho rằng việc chuẩn bị và phê duyệt DATĐ Hương Sơn có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật về Bảo vệ môi trường, Bảo vệ rừng, Đất đai, Xây dựng…Quá trình thi công gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, ảnh hưởng sức khỏe và đời sống nhân dân, như san ủi hàng vạn khối đất đá đổ trực tiếp xuống khe suối thượng nguồn sông Ngàn Phố, xâm hại rừng đầu nguồn

Chính quyền xã và nhân dân không được cơ quan có thẩm quyền, nhà đầu tư cho phép tham gia đầy đủ quá trình chuẩn bị thực thi DA theo quy định của pháp luật. Họ đã gửi kiến nghị lên huyện và các cơ quan liên quan, nhưng chưa nhận được phản hồi của cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư. Thường trực HĐND huyện Hương Sơn cũng có văn bản nói có “ nhiều ý kiến phản ánh gay gắt về nội dung này” và “đề nghị Tỉnh cân nhắc, xem xét quyết định không nên thi công công trình TĐ Rào Àn”.

Vùng nhạy cảm

Miền Trung nói chung và Hà Tĩnh nói riêng là dải đất hẹp, địa hình dốc, phía đông là biển, phía Tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ. Độ dốc vùng Hương Sơn tương ứng với cấp nguy hiểm cao nhất 5/5 (theo đánh giá cấp độ dốc trong nghiên cứu của Đại học QG TPHCM). Nắng lắm, mưa nhiều, địa hình dốc và chia cắt mạnh bởi nhiều sông suối, nên hàng năm dải đất “thắt lưng buộc bụng” này hứng chịu rất nhiều mưa bão và lũ lụt, khủng khiếp nhất là lũ quét! Theo điều 10, Luật Xây dựng năm 2003, đây là khu vực có nguy cơ lở đất, lũ quét, cấm xây dựng công trình.

DATĐ Hương Sơn, Rào Àn 1 và 2 đều nằm trong rừng phòng hộ đầu nguồn đặc biệt xung yếu, thuộc vùng đệm Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang. Điều đáng lưu ý là những vùng này đều được coi là có “nguy cơ cao”, “ rốn lũ quét”! Chưa hết, bên cạnh vùng đệm VQG Vũ Quang còn có DATĐ Hố Hô, thuộc xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, giáp ranh với huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Nhà máy và đập dâng nước nằm trên đất Quảng Bình, nhưng hồ chứa và vùng xả lũ phần lớn thuộc Hà Tĩnh.

thủy điện Hương Sơn
Thủy điện Hương Sơn chưa nên hình hài nhưng đã phá đến 300 ha rừng
Rừng có khả năng điều tiết nước rất tuyệt vời. Khi mưa, rừng sẽ giữ lại khoảng 80% lượng nước, còn 20% thì chảy về đồng bằng. Nếu mất rừng thì điều vừa nói sẽ đảo ngược. Mất rừng không làm tăng nguy cơ hạn hán và lũ quét rất cao, mà nước dùng cho TĐ cũng không đủ! Những DATĐ này làm biến mất không ít rừng khi thi công và khi tích nước sẽ làm ngập một diện tích không nhỏ rừng tự nhiên, phá vỡ cân bằng và đa dạng sinh thái. Nếu xảy ra sự cố, những hồ chứa hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ mét khối nước nằm vắt vẻo trên độ cao nhiều trăm mét bất thần trút xuống, hậu quả sẽ như thế nào? Chắc chắn là hàng triệu dân Hà Tĩnh sẽ làm “ tôm cá”!

Trận lũ quét ở Đắc Lắc năm 1990, với lượng mưa ở Buôn Ma Thuột gần 400mm, làm vỡ đồng loạt 4 hồ chứa nước nhỏ ở thượng lưu, kéo theo 4 đập ngăn nước ở hạ lưu, làm chết 22 người, trôi 6 cầu, 30 cống và thiệt hại nhiều tài sản khác ước tính khoảng 3,4 tỷ đồng. Có thể nhà đầu tư nghĩ đơn giản, không phải là vấn đề trước mắt, nhưng nguy cơ và rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.

Hà Tĩnh đã trải qua những đợt hạn hán khốc liệt, như mùa hè vừa qua gần 3 tháng liền Hương Khê không có một giọt mưa, cây chè chịu hạn rất tốt cũng bị chết cháy! Nước ngầm đang giảm sút rõ rệt, nhiều địa phương không đủ nước cho sinh hoạt, giếng khoan phải tăng thêm độ sâu, giếng đào tăng thêm cống…

Lưu lượng nước trên các sông suối cũng giảm sút nghiêm trọng. Chị Nguyễn Thị Hiền ở cạnh suối Nước Sốt, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn cho biết dòng nước đã giảm đi rất nhiều so với trước, nhất là sau trận lũ quét 2002. Chị Trần Thị Đào, nhà bên cạnh suối Rào Mắc, xã Sơn Kim 1 cũng nhận xét tương tự. Còn ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch xã Sơn Kim 1 thì có nhận xét bi quan hơn: “ Nguồn nước, lưu lượng đã thay đổi rất nhiều. Khoảng 5 năm về trước, lượng nước của suối Nước Sốt gấp đôi dòng chảy suối Rào Àn, nay thì ngược lại, chỉ bằng một nửa Rào Àn thôi. Hồi đó tui lội qua suối Nước Sốt ngập ngang bụng, nay nước chỉ đến bắp chân. Đây là mùa mưa lũ, nước còn khá, chứ mùa khô thì nước rất yếu, chảy re re mà thôi”.

Mùa mưa lũ ở đây từ tháng 9 đến tháng 11, chiếm 60 – 65% lưu lượng dòng chảy cả năm; tháng 9 và 10 thường có dòng chảy lớn nhất, chiếm 50% lượng dòng chảy năm. Chúng tôi đến đây đầu tháng 11, lẽ ra nước chảy rất mạnh, nhưng điều đáng buồn là cả suối Nước Sốt lẫn Rào Àn đều rất “ hiền hòa”.

Ông Trần Văn Phượng, 60 tuổi, ở thôn Quyết Thắng, xã Sơn Kim 2 cho biết: “ Nước ngầm giảm nhiều lắm. Trước đây giếng nhà tui sâu 5m mà không khi mô cạn, bi chừ phải đào thêm một cống 80cm nữa mới có dùng”. Giếng nhà ông Việt sâu 7m, năm ngoái phải đào thêm 80cm mới đủ nước sinh hoạt.

Rất nhiều nơi đang thiếu nước sinh hoạt và canh tác. Báo cáo ĐMT của Trung tâm Quan trắc & Kỹ thuật Môi trường Hà Tĩnh nói DATĐ Rào Àn điều tiết dòng chảy của các dòng suối trong khu vực, từ đó hạn chế ảnh hưởng của lũ lụt trong mùa mưa, tăng lưu lượng dòng chảy về mùa khô. Nếu tuyệt vời như thế tại sao dân Sơn Kim vẫn lo ngại? Nếu không đúng như nhận định trên thì ai sẽ chịu trách nhiệm với dân Hương Sơn? Nếu UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt báo cáo ĐTM thuỷ điện Rào Àn thì nhân dân Hương Sơn sẽ có nhiều lý do để lo sợ!

“ Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường”, câu nói đó có vẻ như các nhà đầu tư và quản lý đã thuộc lòng, nhưng e rằng lời nói không đi đôi với việc làm. Các nhà hoạch định chính sách và quản lý nên xem xét kỹ khi quyết định một vấn đề nào đó, phải đặt lợi ích của cộng đồng, của số đông người dân trên lợi ích của một nhóm nhỏ.

TĐ Hương Sơn công suất 30MW, tổng mức đầu tư 537,98 tỷ đồng, dự định xây dựng trong 3 năm, tuổi thọ dự án 75 năm, cung cấp 133 triệu KWh/năm. Đây là DATĐ đầu tiên của Hà Tĩnh, xây dựng đầu nguồn suối Nước Sốt, thuộc xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. TĐ Hương Sơn được xây dựng ở khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn, được coi là rừng đại ngàn nguyên sinh giàu tài nguyên nhất miền Bắc, gần sát biên giới Việt Lào, cách cửa khẩu quốc tế Cầu Treo 17 km. Nơi đây tỉnh đang có dự định xây dựng khu dự trữ sinh quyển.

Vùng đất này được coi là “rốn lũ quét”, do địa hình hẹp và dốc, chia cắt mạnh, lượng mưa lớn. Theo các nghiên cứu, lượng mưa trên 150mm/ngày có nguy cơ gây lũ quét; lượng mưa ở vùng này trung bình hàng năm 2500mm – 3500mm. Lũ quét tháng 09/2002 có lượng mưa khoảng 750mm, ngày mưa lớn nhất 350mm. Đây thuộc vùng đệm VQG Vũ Quang và Dự án bảo tồn, phát triển Đa dạng sinh thái Bắc Trường Sơn. Nơi đây được đánh giá rất cao về giá trị đa dạng sinh học, có nhiều loại động, thực vật quý hiếm như sao la, mang lớn, chà vá chân nâu, vượn má vàng, pơ mu, hoàng đàn, cẩm lai, thông tre; hơn 10 loài chim và 16 loài bò sát quý hiếm có trong sách Đỏ Việt Nam, có nguy cơ bị tuyệt chủng và rất cần được bảo vệ.

Thiên nhiên phẫn nộ


Cảnh tan hoang sau cơn lũ năm 2002.
Cơn cuồng nộ của “Bố già Thiên nhiên” đã cướp đi nhiều sinh mạng, gây thiệt hại ghê gớm và để lại nỗi kinh hoàng cho nhân dân. Tôi đã tận mắt chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của lũ quét tháng 09/2002. Nhiều người dân Hương Sơn vẫn thất kinh khi nhắc đến cơn lũ lịch sử này. Ông Việt nói về lũ quét 2002: “ Rất là gớm! Nỗi đau vượt quá sức chịu đựng của người dân Sơn Kim!”

Hồi đó Sơn Kim chưa tách làm 2 xã như bây giờ. Tôi gặp ông Việt với vẻ mặt bơ phờ, áo quần sũng nước sau khi lũ đã rút. Lũ cuốn phăng nhiều ngôi nhà ở đội 9 Nước Sốt, làng Tròn, Kim An; cuốn trôi mồ mả, chỉ để lại bùn đất và sỏi đá ngoài đường, trong nhà. Cây rừng lao vun vút như mũi tên trên dòng nước đục ngầu sôi sùng sục. Nước đổ như thác, núi lở ầm ầm. Phố Châu, Sơn Bằng la liệt những cây cổ thụ bị lũ cuốn cả cành lẫn gốc rễ từ rừng về! Quốc lộ 8A từ ngã ba Bãi Vọt (thị xã Hồng Lĩnh) lên cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo sang Lào, năm 1999 được tặng danh hiệu "Con đường đẹp nhất Việt Nam" bị băm nát nhiều đoạn, bùn dày cả thước. Phía trên cầu Nước Sốt cả quả núi đổ sập vùi lấp vĩnh viễn 5 người, đến nay vẫn không tìm được xác! Nhiều cây cầu bị lũ vặt trụi lan can.

Tất cả người dân Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh và Vũ Quang vẫn in đậm dấu ấn kinh hoàng về cơn lũ quét lịch sử này: 77 người chết, hàng trăm người bị thương, 70694 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi hoặc hư hỏng nặng. Đê hữu sông Lam bị vỡ 2 đoạn dài 20m, sâu 3m. Hơn 700 tỷ đồng thiệt hại! Thiệt hại về lâu dài thì khó mà ước tính. Như cát và sỏi đá phủ kín dày cả thước hơn 100ha đất canh tác màu mỡ nhất của cánh đồng Khe Sú.

Lũ hương sơn 2002
Xóm làng đã biến mất sau cơn lũ 2002.
Cánh đồng này là “ vựa thóc” của Sơn Kim, nguồn sống chủ yếu của 1.115 hộ, 4.700 nhân khẩu trong toàn xã. Nay hơn 100 ha đất này vẫn là sa mạc! Toàn xã đất canh tác còn 70ha, trong đó 20ha chỉ xản xuất được một vụ, vì thiếu nước. Ông Việt than thở: “ Hiện nay mỗi người dân Sơn Kim 1 chỉ có 100m2 đất nông nghiệp, dân thiếu đất sản xuất trầm trọng, không biết mần chi mà ăn!”. Hồi đó Sơn Kim chết 6 người, thiệt hại hơn 4 tỷ đồng, 40 ngôi nhà bị trôi theo dòng nước lũ! Lở đất buộc 39 hộ ở thôn Kim An phải di dời.

Bão số 2 hồi tháng 8/2007 gây lũ lụt và thiệt hại lớn cho Hương Khê, cả Hà Tĩnh thiệt hại khoảng 700 tỷ. Tiếp theo là bão số 5 thiệt hại khoảng 350 tỷ đồng trong khi tổng thu ngân sách của Hà Tĩnh khoảng 500 tỷ đồng/năm. Hạn hán, lũ lụt ngày càng gia tăng và tàn khốc hơn. Bức tranh về thiên tai ngày càng ảm đạm.

TĐ Hố Hô đang dang dở, nước lũ cuốn phăng cả đoạn đường dài phía dưới đập, cuốn trôi mất tích một cỗ máy ủi! Nó còn mở một dòng chảy mới ngay phía dưới đập nước. Hương Khê chìm trong biển nước, trụ sở UBND huyện ngập đến mặt bàn. Chỉ mới cách đó ít ngày đồng ruộng còn khát, những đồi chè khô cháy![-X
 

Huyền Thương

<br><font color=green><B><center><marquee directio
#12
Cây xăng cháy, phát nổ liên hoàn


Những cột khói bốc lên từ
cây xăng bị cháy.

(Dân trí) - Vào khoảng 14h30 chiều 26/11, người dân ở trung tâm huyện lỵ Hương Sơn (Hà Tĩnh) vô cùng hoảng loạn trước hàng loạt tiếng nổ lớn phát ra từ Cửa hàng xăng dầu Phố Châu. Sau những tiếng nổ, một đám cháy lớn bùng lên phủ kín khói và bụi cả một vùng.


Thượng tá Trần Mạnh Hùng, Trưởng Công an huyện đã kịp thời có mặt, huy động toàn bộ lực lượng cán bộ, chiến sỹ cố gắng dập ngọn lửa đang bùng phát. Với sự phối hợp của lực lượng quân sự, nhân dân địa phương và Đội cứu hoả Hồng Lĩnh (thuộc Công an Hà Tĩnh), đến 16h, ngọn lửa đã được khống chế hoàn toàn.


Trời nắng to, trong cửa hàng lại còn rất nhiều thùng chứa đầy xăng và ngay bên cạnh còn có một cây xăng khác với bể chứa hàng ngàn lít, nếu không khống chế kịp thời ngọn lửa thì mức độ thiệt hại và nguy hiểm không thể lường được. Nhưng với tính quyết đoán cao, các chiến sỹ công an đã cứu sống một nạn nhân bị mắc kẹt và lao vào nguy hiểm để dập tắt ngọn lửa.


Tại thời điểm đám cháy xảy ra, người dân sinh hoạt tại khu vực này rất đông nên số thương vong vẫn chưa thể xác định được. Ông Long, Trưởng cửa hàng bị bỏng rất nặng, đã được chuyển đi cấp cứu. Thiệt hại ban đầu ước tính lên hàng trăm triệu đồng. CQĐT đã tiến hành bảo vệ hiện trường để điều tra nguyên nhân của vụ cháy này.
 
#13
Hà Tĩnh mình đã nghèo lại thiệt hại nhiều chuyện nữa.
 

Tuấn Nguyên

Đầy tớ Nhân Dân
#14
"Thầy lang" 9 tuổi chữa bách bệnh?

Từ đầu năm 2007, ở xã Sơn Lộc - huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) bỗng xuất hiện một “thầy lang nhí” có tài chữa được tất cả các loại bệnh trên đời như ung thư giai đoạn cuối, AIDS, mù mắt cho đến ghẻ lở, đau chân… chỉ bằng nước nấu lá cây dại.

Được Đức Mẹ ban phép!?


“Thầy lang” tên là Thân Văn Lĩnh, sinh năm 1998 tại xóm 4 xã Sơn Lộc – huyện Can Lộc (học sinh lớp 3B trường Tiểu học Sơn Lộc) trong một gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Cha Lĩnh bị bệnh tâm thần, mẹ là nông dân trình độ văn hoá thấp; bà nội thì đã già.
Thầy lang nhí Thân Văn Lĩnh


Từ nhỏ Lĩnh cũng giống như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, tháng 2/2007 sau một đêm ngủ dậy, người nhà của Lĩnh bỗng tuyên bố với mọi người là: đêm qua thằng Lĩnh đã được Đức Mẹ hiện về ban phép chữa được bách bệnh.

Không biết bằng cách nào nhưng chỉ sau vài thang thuốc của “thầy Lĩnh” thì nghe nói bệnh tâm thần của ông bố đã gần khỏi, tiếp theo là bà hàng xóm sát cạnh nhà bị bệnh thấp khớp kinh niên cũng "hết bệnh" sau khi được “thầy” chữa giúp. Tiếng "lành" đồn xa, chẳng mấy chốc tin thầy Lĩnh có phép chữa được bách bệnh đã loan đi nhanh chóng, người từ khắp nơi đổ xô về để mong lành bệnh hiểm.

Phóng viên VietNamNet đã về xã Sơn Lộc, tiếp cận với "thầy Lĩnh" tìm hiểu thực hư.

Mới đến đầu xã đã thấy một bà cụ vẫy tay ra hiệu dừng lại, có vẻ bí mật bà nói nhỏ: “Các chú đi lấy thuốc chữa bệnh à? Vậy thì hãy nghe già này nói đã, để được việc thì khi gặp bé Lĩnh các chú phải cúi xuống chào và gọi nó bằng mẹ thì mới mong chữa lành được bệnh”.

Mặc dù mới sáng tinh mơ nhưng trước nhà của Lĩnh đã có nhiều ô tô, xe máy đậu ngổn ngang, hàng chục người đứng chen chúc nhau đợi đến lượt mình vào lấy thuốc. Có những người già, trẻ em đang bị các bệnh như đau chân, tâm thần được người nhà thuê xe chở đến nằm vật vạ rên khóc nghe thật não lòng.

Những người có mặt ở đây đến từ nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Nội, TP.HCM. Nhiều nhất vẫn là từ huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh. Chị Nguyễn Thị Châu ở Kỳ Hải - Kỳ Anh kể: “Chồng tôi bị bệnh tiểu đường đã 10 năm nay, chữa khắp nơi nhưng vẫn không được. Vừa rồi nghe người ta đồn về tài chữa bách bệnh của “thầy Lĩnh” nên tôi cùng hơn 30 người có chung hoàn cảnh đã góp tiền thuê xe chở ra đây từ sáng nay, vẫn chưa được gặp "thầy”.
Những lá cây dại sau khi được băm nhỏ, sấy khô trở thành thuốc chữa bách bệnh​


Trong khoảng sân nhà rộng chừng 15m2, 5 người đàn bà đang ngồi miệt mài cắt lá thuốc để phơi trên những tấm ván gỗ sần sùi; 2 người khác đóng thuốc vào bao để phát cho khách. Điều làm chúng tôi sửng sốt là những gói thuốc có thể chữa được bách bệnh này lại chỉ là những lá cây dại như lá bơm bớp, bò bò, bông trang, lá sim... do mẹ và bà của Lĩnh lên núi hoặc ra đồng cắt đem về và chỉ rửa qua loa.

Những người khi đến đây lấy thuốc thường không phải trực tiếp trả tiền nhưng lại được bà nội của Lĩnh hướng dẫn là bỏ tiền vào hòm công đức treo ngay trước cửa nhà, mức độ là... tuỳ tâm. Nhưng theo quan sát của chúng tôi thì người ít nhất cũng phải là 20 ngàn đồng cho hai bao thuốc.

Khi chúng tôi định vào xin thuốc thì chị Châu kéo áo lại nhắc: “Trước khi vào lấy thuốc các em phải lên chùa Lưu Ly ở phía sau thắp hương và dâng lễ xong thì “thầy” mới cắt thuốc cho”.

Đức Mẹ ở chùa?

Quán gửi xe và bán đồ lễ đông nghịt người, khoảng chục gian lều vừa mới được người dân dựng lên để trông xe đã không còn một chỗ trống. Anh chủ quán chẳng hề giấu giếm: “Hôm nay, không phải là ngày nghỉ nên khách đến lấy thuốc rảnh chứ vào thứ bảy và chủ nhật thì một ngày phải có hàng trăm người đến lấy thuốc. Cứ mỗi xe máy vào đây gửi là 2000 đồng. Ngày kiếm tiền trăm nghìn là chuyện thường”.

Chùa Lưu Ly nằm trên một ngọn đồi sát ngay nhà của Lĩnh, trước đây chùa này vắng ngắt vắng ngơ nhưng từ mấy tháng nay người đi lễ đông nghịt. Con đường lên chùa mấy hôm nay đã được gia đình Lĩnh cho người thuê làm lại. Trên bàn thờ nghi ngút khói hương đã có dán thêm một tờ giấy viết vội về cách hướng dẫn khi dùng thuốc của “thầy Lĩnh” và một hòn công đức đặt ngay bên cạnh.

Ông Nguyễn Văn Hạnh (người trông chùa) cho biết: “Thật may mắn là Đức Mẹ (?) đã chọn Lĩnh để ứng vào, trước đây Mẹ (Lĩnh) thường hay lên đây chơi nên bây giờ trước khi lấy thuốc từ nhà Mẹ thì khách phải lên đây trình bày bệnh trước đã. Thuốc của thầy có thể chữa được tất cả các loại bệnh trên đời này”.

Không biết những lời ông Hạnh nói đúng đến mức nào nhưng bà Nguyễn Thị Đường xã Hậu Lộc - huyện Can Lộc (người đã khám bệnh và uống thuốc của thầy Lĩnh) thì khiếp đảm nói “Tôi bị bệnh đau xương chữa mãi không khỏi, cũng vì theo tin đồn thổi nên đã đến khám và lấy thuốc nhưng càng uống thứ lá quái quỷ đó xương lại càng đau”.

Còn bà Trần Thị Tân ở xã Kỳ Thịnh - huyện Kỳ Anh thì bức xúc: “Tôi lặn lội gần 100km cùng chiếc chân què ra lấy thuốc về uống nhưng chẳng thấy đỡ chút nào cả. Đúng là tiền mất tật mang”.

Để biết cách thức khám bệnh của “thầy” PV VietNamNet tiếp tục quay trở lại nhà của Lĩnh. Tuy nhiên, khi vừa bước vào cửu thì chị Thân Thị Cơ (mẹ đẻ của Lĩnh cho) thông báo: “Các chú chịu khó ngồi chờ bởi Mẹ vừa mới đi học xong. Thuốc thì có sẵn đó nhưng nếu mẹ không sờ vào người và thuốc thì coi như không có công hiệu”.

17 giờ 15, Lĩnh đi học về. Vứt xe vào xó nhà, Lĩnh mở cặp lấy cuốn sách Âm nhạc ra ngồi đọc lầm rầm ở bậc cửa. Thấy Lĩnh về, mọi người vội vàng xô đẩy, chen lấn với hy vọng mình sớm đến lượt.

Ông Lê Đình Huệ (75 tuổi ở xã Kỳ Lâm - huyện Kỳ Anh) được mấy người con đi theo giúp sức, cố gắng lắm mới lách khỏi đám đông chen lên phía trước. Ông Huệ phục lạy dưới chân Lĩnh run run thưa: “Lạy Mẹ! Con lặn lội đường xa đến đây mong Mẹ rủ lòng từ bi chữa lành bệnh đau cột sống cho con”.

Lĩnh trừng mắt trông thật dữ tợn đáp nhát gừng: “Rứa à”, và giơ tay sờ vào vai ông Huệ rồi phán: “Xong!”. Mấy người nhà của Lĩnh đứng chờ ở bên chỉ chờ có vậy vội vàng dúi vào tay ông Huệ hai gói thuốc lá gói sẵn trong bao ni lông và dặn qua quýt: “Về nhà nhớ bỏ vào nồi và cho nước lạnh vào đun sôi, khoảnh 5 phút là được. Trong nhà nếu ai có bệnh đều uống được cả. Lành tất!”.

Ông Huệ còn đang ngơ ngác, định hỏi thì bỗng nhiên Lĩnh trừng mắt quát to: “Câm ngay!”. Ônh Huệ và những người đứng xung quanh được một phen khiếp vía. Từ đó trở đi chẳng ai còn dám hỏi câu gì nữa, chỉ vào lấy thuốc và cúi đầu len lén bước ra.

Nhà trường và chính quyền làm ngơ?

Cô giáo Thân Thị Quỳnh Nga - Hiệu phó Trường họcTiểu học Sơn Lộc (nơi Lĩnh đang hoc) cho biết: “Từ trước đến nay Lĩnh là một học sinh bình thường, học lực thuộc loại trung bình. Từ khi có chuyện này xảy ra, Lĩnh hay nghỉ học, nhiều hôm nhiều người còn đến tận lớp xin đem Lĩnh về nhà để khám bệnh”.

Hàng quán, dịch vụ mọc lên "phục vụ" bệnh nhân nhưng chính quyền không có ý kiến gì!​


Khi chúng tôi hỏi ý kiến của nhà trường về chuyện này, cô Nga cho rằng: “Khi đến trường Lĩnh chẳng có biểu hiện gì khác thường cả. Mặc dù là người sống ở địa phương nhưng tôi không biết rõ về chuyện này, nhà trường chỉ quản lý và theo dõi em Lĩnh về chuyện học tập. Còn các anh muốn biết chuyện đó thì đến gia đình mà hỏi”.

Tuy nhiên, khi nói chuyện với chúng tôi, em Lĩnh luôn có những biểu hiện rất khác thường như hay dùng những từ khó hiểu, gọi ngang tên người lớn tuổi và tự nhận mình là Mẹ. Lĩnh kể: “Từ hồi tháng 2, tự nhiên tui thấy Mẹ hiện về và bày cho tui cách chữa bệnh, thế là tui nói lại cho mẹ tui . Nhưng những lá thuốc mà mẹ và bà đưa về nhà tui chẳng biết là thứ gì cả và tui cũng không nhủ (nói với) họ lấy thứ đó”.

“Từ hồi đó đến nay tui vất vả hơn vì ban ngày phải khám cho rất nhiều người còn đêm về lại phải đọc kinh đến 22 giờ mới đi ngủ. Mà hỏi chi lắm rứa, bên đó hỏi tui thì tui biết hỏi ai” - nói xong Lĩnh chạy tọt vào lớp.

Khi đến UBND xã Sơn Lộc, mặc dù đang trong giờ làm việc nhưng toàn bộ lãnh đạo đều đi vắng. Phóng viên liên lạc qua điện thoại với ông Phan Bá Vị - Phó chủ tịch xã (phụ trách văn hoá) thì được biết ông đang thi thăm hỏi gia đình của lãnh đạo huyện ở xã Song Lôc, không tiếp báo chí được.

Thay mặt UBND xã, ông Thân Văn Quốc, cán bộ văn hoá xã cho hay: “Chúng tôi thấy đây là trò mê tín dị đoan, nên ngay từ đầu đã mời chị Cơ và ông Hạnh (người coi chùa) lên quán triệt là không được tự ý khám bệnh, bán thuốc và tuyên truyền mê tín dị đoan nhưng họ vẫn không chịu nghe. Hơn nữa, xã cũng không thể cấm những người từ nơi khác về đây khám bệnh và lấy thuốc được”.

Mỗi ngày vẫn có hàng ngàn người tìm đến đây lấy thuốc, các dịch vụ mọc lên càng nhiều. Thiết nghĩ đã đến lúc chính quyền huyện Can Lộc phải vào cuộc để chấm dứt tình trạng này.

(Nguồn Vietnamnet)​
 

Vân Anh_Hồng Lĩnh

Nơi Ấy Bình Yên
#15
úi trời ơi ! Sao mà thần kỳ quá vậy ta. Tôi đang bị bệnh phải đi lấy thuốc thử coi đề.
 

Mr.Tony

Thành viên
#16
Khôi hài chuyện thực thi án quyết của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh

(Dân trí) - Tung tin thất thiệt, biến một sản phụ khỏe mạnh thành người nhiễm HIV, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh bị TAND TP Hà Tĩnh tuyên phạt bồi thường gần 15 triệu đồng cho bệnh nhân. Việc thực hiện phán quyết trên của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh là cả một câu chuyện khôi hài!

>> Thông tin sai lệch, bệnh viện bồi thường bệnh nhân gần 15 triệu đồng



Trở lại diễn biến vụ việc: Chị Nguyễn Thị Thanh, sinh năm 1976, trú tổ 10, phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh nhập viện Đa khoa Hà Tĩnh ngày 19/8/2005 để sinh con. Tại đây, bệnh viện tiến hành xét nghiệm máu và kết luận chị Thanh dương tính với virus HIV.



Sau ca mổ đẻ thành công, sản phụ Thanh rất hoang mang và không dám cho con bú. Thông tin thất thiệt này nhanh chóng lọt ra ngoài ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự bệnh nhân; bản thân vợ chồng chị Thanh mâu thuẫn, nghi ngờ lẫn nhau.



Sau đó, kết quả xét nghiệm máu tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh và Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An lại khẳng định chị Thanh không bị nhiễm HIV! Gia đình chị Thanh đã làm đơn khởi kiện Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh.



Ngày 31/5, TAND thành phố Hà Tĩnh đã công khai mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiết lộ thông tin sai lệch về sản phụ Nguyễn Thị Thanh, buộc phía bệnh viện phải bồi thường 3,6 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần, 10,99 triệu đồng tiền sữa nuôi con cho chị Thanh; tổng cộng 2 khoản trên là gần 15 triệu đồng. Ngoài ra, Tòa cũng yêu cầu lãnh đạo Bệnh viên Đa khoa Hà Tĩnh phải trực tiếp đến xin lỗi gia đình chị Nguyễn Thị Thanh với sự chứng kiến của cán bộ khối phố và chính quyền địa phương.



Đã gần 6 tháng trôi qua, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh vẫn chưa thực hiện án phạt. Ngày 18/9, chị Thanh đã làm đơn gửi Đội thi hành án thành phố Hà Tĩnh, yêu cầu bệnh viện thực hiện trách nhiệm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.



“Bệnh viện quá thiếu trách nhiệm!”



Làm việc với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Bích Lợi, Trưởng Thi hành án thành phố Hà Tĩnh, hết sức bức xúc: “Bệnh viện quá thiếu trách nhiệm. Ngày 4/10 chúng tôi nhận đơn yêu cầu thi hành án của chị Thanh thì ngày 5/10 chúng tôi ra công văn đề nghị bệnh viện thi hành án. Chúng tôi đã phát 2 công văn qua đường bưu điện sang bệnh viện nhưng họ không trả lời, với lý do không nhận được! Sau đấy chấp hành viên thi hành án của chúng tôi còn hai lần trực tiếp gặp Giám đốc bệnh viện nhưng mọi chuyện vẫn thế”.



Ông Lương - chấp hành viên thi hành án TP Hà Tĩnh, người trực tiếp làm việc nhiều lần với ông Phan Đình Nhiêm, giám đốc bệnh viện - phản ánh: “Ông ấy hứa với tôi nhiều lần sẽ cho nhân viên đến nộp tiền cho thi hành án nhưng không thấy. Ngay lúc này đây (ngày 26/11-PV), tôi cũng đang chờ họ!”



Sáng 27/11, chúng tôi đến làm việc trực tiếp với Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, ông Lê Quế - Phó giám đốc bệnh viện - cho rằng Tòa xử như thế là chưa khách quan. Ông này cho biết đã có đơn kháng cáo lên TAND tỉnh, sau đó lại rút đơn và chấp nhận bồi thường.



Giải thích việc chậm trễ thi hành án, ông Quế phân trần: “Chúng tôi đã định chuyển tiền sang cho thi hành án rồi nhưng Ban giám đốc quyết định chỉ hỗ trợ 50% số tiền tòa đã xử, số còn lại sẽ do khoa Sản phải chịu trách nhiệm. Việc chuyển tiền thì quá đơn giản nhưng chúng tôi chưa thực hiện vì đang chờ 50% số tiền còn lại từ khoa Sản”.



Hỏi vậy khoa Sản lấy kinh phí ở đâu để “thực hiện trách nhiệm”, ông Quế thẳng thắn: “Mặc kệ anh em! Chúng tôi để anh em tự giác, tự bàn bạc”.



Được biết trong nội bộ khoa Sản đang có mâu thuẫn vì nhiều y bác sĩ bất bình cho rằng họ không làm sao phải chịu trách nhiệm?



Như vậy, trong khi phía bệnh viện còn chưa thống nhất việc nộp tiền phạt thì người chịu thiệt nhiều nhất vẫn là gia đình “bị hại” Nguyễn Thị Thanh.



Văn Dũng
 
#18
Củng chẳng hiểu mấy ông mặc áo "bờlu trắng" đó nghỉ gì nữa bà con nhỉ.Anh em đóng của bảo nhau đi cho rùi để Dân Trí rồi không biết Thanh Niên có nhảy vào nữa không?Nhục lắm...
 
#20
Phải công nhận bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh dạo này lắm chuyện thật :-/ chẳng lẽ cứ để vậy mãi sao?
Vậy mà còn nghe nói là Bệnh Viện Đa Khoa hạnh nhất .