Chuyện làng Cu khoán (Hà Tĩnh)
Chuyện làng Cu khoán (Hà Tĩnh)
Trên chiếc xe đạp tự chế từ mấy cái tuýp nước, những người đàn ông, đàn bà rời làng lúc tờ mờ sáng. Mỗi người một ngả, họ rong ruổi khắp các khu chợ, đường phố, công trường... chỉ mong sao có ai đó thuê làm. Khi thành phố lên đèn thì đoàn "cu khoán" lại nối hàng lặng lẽ đạp xe về ngôi làng xa xôi.
Mưu sinh.
Làng "Cu khoán" được người dân thị thành Hà Tĩnh đặt cho cái tên kỳ lạ như vậy là để phân biệt với những ngôi làng khác ở huyện mới Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, bởi hầu hết người dân trong ngôi làng này, hễ đến độ tuổi lao động đều phải đi làm công, làm khoán.
Làng "Cu khoán"
Những cư dân thuộc ngôi làng vốn từng là địa danh nổi tiếng về thu nhập từ muối, mấy năm trở lại đây, tờ mờ sáng đã phải rời làng, trên chiếc xe đạp đèo theo phía sau những dụng cụ như rổ, xẻng và cả chiếc xe "cút kít" được làm bằng gỗ...
Họ đổ xô lên các con đường trung tâm của thành phố để chờ ai đó thuê đi làm công, làm khoán. Một ngày như mọi ngày, trên con đường làng bắc qua cánh đồng muối hoang vu ấy lại thấp thoáng bóng dáng các diêm dân cùng chiếc xe đạp rời khỏi ngôi làng. Tối đến cũng những con người ấy lại hối hả đạp về.
Cụ Trương Thị Lượng - một người trước đây đã từng là cửu vạn của làng giải thích: Bà con ở đây vốn dĩ sống bằng nghề muối truyền thống, nhưng mấy năm trở lại đây, muối bán không ai mua, đời sống ngày càng khó khăn, thế nên mọi người trong làng rủ nhau đi làm thuê, làm khoán, cái tên "Cu khoán" cũng từ đó mà ra.
"Cu Khoán" chờ việc trên đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh.
Rời ngôi làng, những người làm nghề "cu khoán" tập trung lên các ngã tư đường, nơi trung tâm thị xã để mong ai đó đến thuê đi làm. Họ tập trung ở đó như một "chợ người" có đủ thành phần nam, nữ khác nhau với người đứng kẻ ngồi.
Chỉ cần thấy bóng dáng chiếc xe máy nào tấp vào lề đường, thì cả đoàn người ùa ra như ong vỡ tổ. Chân chạy, miệng hỏi: "Anh, chị thuê làm việc gì? Cần bao nhiêu người?".
Khi thỏa thuận xong giá cả, họ nhanh chóng lấy đồ nghề rồi đạp xe theo chủ. Từ 6h sáng đến 18h, mỗi ngày như thế, tại các ngã tư TP Hà Tĩnh luôn có hàng trăm con người đứng, ngồi bên những chiếc xe thồ, lỉnh kỉnh thúng, xẻng… để chờ việc.
Ai thuê việc gì họ cũng làm, chỉ mong kiếm được ngày ít tiền về đong gạo, nuôi các con ăn học.
"Nghề ni lấy được mấy chục nghìn của thiên hạ thì chẳng phải dễ gì, phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, đổi cả danh dự nữa mới hi vọng đủ tiền nuôi con" - chị Nguyễn Thị Tạo, một cư dân của làng tâm sự. Cứ thế, hết ngày này qua ngày khác dọc hai bên các con đường trung tâm của thành phố đều xuất hiện bóng dáng các cư dân của làng này đứng ở vệ đường chờ việc.
Người này được thuê đi làm, người khác ngồi chờ cho đến khi có việc thì thôi. Thế nhưng, không phải ngày nào họ cũng tìm được việc. Khi cái thị xã tý tẹo này rục rịch nâng cấp lên thành phố, công việc của những cu khoán cũng tỏ ra tất bật.
Thế nhưng, không phải lúc nào cũng dễ kiếm, dần rồi "của khó người đông", mấy tháng nay thi thoảng cả đoàn người ngồi chờ việc ấy, mới có người được thuê làm. Số còn lại ngồi co ro bên góc đường hay đạp xe rong ruổi rao tìm...
Trong đám người ngồi co ro bên vệ con đường Trần Phú, tiếng của mấy chị "cu khoán" vọng lại nghe đến nao lòng: "Hai ngày rồi mà chưa kiếm được "cuốc nào". Lấy chi cho con nộp học phí đây"!
Giọng của một chị khác tiếp chuyện: "Sốt ruột làm gì, phận đứng đường cả. Không tìm được việc đành phải chấp nhận. Hôm ni không được thì chờ hôm khác".
Khuôn mặt khắc khổ, nước da đen cháy, chị Nguyễn Thị Mai - một cư dân của ngôi làng Cu Khoán trông già hơn so với cái tuổi 40, cởi chiếc nón trên đầu đặt xuống mô đất trước mặt, nói với giọng tủi buồn: "Không có nghề gì khổ bằng cái nghề ra đứng đường bán sức lao động kiếm sống.
Có hôm đứng, ngồi đợi mỏi cả chân, hết hít bụi, đến gió rét, nắng thiêu đốt mà cả ngày cũng không có việc. Và ngay cả khi có được việc rồi thì cũng vừa mừng vừa lo, phải nai lưng ra mà làm, đào đất, đập nhà, thông cống, thồ cát, giặt quần áo, làm mọi việc… cật lực lắm thì cả ngày cũng chỉ kiếm được dăm ba chục nghìn là cùng"!
Những rủi ro "nghề nghiệp"!
Chị Hạnh, một cửu vạn tâm sự: Đôi lúc để kiếm được dăm ba chục nghìn, bọn tui bất chấp nguy hiểm, khó nhọc thậm chí đổi cả danh dự... Những rủi ro nghề nghiệp, ốm đau, bệnh tật xảy ra âu cũng chỉ là cái số, "trời kêu ai nấy dạ thôi!".
Từ việc nhẹ cho đến việc nặng mọi thứ đều làm bằng tay, hằng ngày biết bao tai nạn rủi ro. Nhẹ thì mẻ đầu sứt trán, nặng thì gãy tay, gãy chân, lao lực, có người không may mắn thì bị chết. Còn chuyện về tai nạn do sập giàn giáo, đất đá rơi gãy xương chết người thì xảy ra nhan nhản.
"Tai nạn là do số phận, nhưng bị quỵt tiền, bị vu oan, đổ tội cho ăn cắp thì khổ vô cùng” - chị Tuyết bức xúc nói.
Chị kể, vừa mới ngay sáng nay, chị hớn hở nhận được việc dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo cho một gia đình giàu có trên thành phố, xong việc chưa kịp lấy tiền công thì đột nhiên bà chủ nhà kêu mất tiền rồi đổ tội cho tui lấy. Hai bên lời qua tiếng lại cuối cùng phải nhờ đến cơ quan chức năng phân tích, điều tra mới ra nhẽ là... oan cho chị!
Công việc của những "cu khoán" tại cái ngôi làng này thường ngày vẫn đều dặn diễn ra như thế. Dù biết rằng, cuộc sống và những nẻo đường mưu sinh, không chỉ có riêng tại ngôi làng được người ta gán cho cái tên thật lạ và buồn ấy, nhưng câu chuyện về những "cu khoán" như thế này, chúng tôi dám chắc chắn rằng sẽ là hi hữu, bởi nếu ban ngày về ngôi làng này, họa hoằn lắm mới nhìn thấy lác đác vài người già và dăm ba đứa trẻ con!
Nguyễn Quang Anh
(Theo:CAND OLINE)