Nước mắt làng lặn
SGGP-Vì miếng cơm manh áo, người dân xã miền núi Kỳ Xuân (huyện Kỳ An, tỉnh Hà Tĩnh) rời làng quê bình yên vào các tỉnh phía Nam hành nghề lặn thuê. Nghề lặn đã giúp họ tạo dựng cơ ngơi cho gia đình với một cuộc sống tương đối ổn định. Nhưng trong đồng tiền họ đem về, lẫn trong vị mặn của nước biển còn có vị của mồ hôi, nước mắt và cả máu. Đến nay, cả 8 làng trong xã đã có hơn 100 người tàn phế, tử nghiệp vì nghề lặn thuê này.
Sống nhờ biển
Dẫn tôi đi trên con đường vào xã Kỳ Xuân, anh Trần Thỏa nói: “Từ khi trong xã có nhiều người đi lặn thuê, nhiều nhà đã xóa được tranh tre, nứa lá, mà xây được nhà cao tầng đó. Mấy bữa ni, do giáp tết, một số người đi lặn thuê về thăm nhà, chứ ngày thường anh đến, trong xã ni chủ yếu là các cụ già, đàn bà và con nít thôi”.
Ông Nguyễn Xuân Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân, cho biết: “Toàn xã có 8 làng thì cả 8 làng đều có dân đi lặn thuê khắp trong Nam ngoài Bắc, nhưng đông nhất là họ vào lặn bắt sò, mò trai ở Bình Thuận. Từ những năm 1993 trở lại đây, trung bình mỗi năm có hơn 600-700 lượt người dân đi lặn, có những năm hơn 1.000 người đi. Đến nay, từ nghề đi lặn thuê nhiều hộ trong xóm kinh tế có khá hơn, nhưng cũng hay nhận được... tin buồn”.
Theo ông Lĩnh, trước đây, ngư dân vẫn làm nghề lặn và đánh bắt cá bằng thuyền nhỏ gần bờ, nhưng từ ngày xuất hiện nạn đánh bắt hải sản bằng chất nổ và xung điện thì nguồn tôm, cá gần bờ cạn kiệt dần.
Không có tiền đóng thuyền đánh bắt xa bờ, thanh niên phải vào các tỉnh miền Nam kiếm kế mưu sinh.
Ban đầu, có một số thanh niên ở làng Bắc Thắng đi lặn thuê bắt sò cho các chủ ghe ở tỉnh Bình Thuận đưa về hàng chục triệu đồng/năm, thế là người này kéo người kia cùng đi. Những năm đầu, người dân Kỳ Xuân xem nghề lặn thuê mở ra cơ hội đổi đời làm giàu nhanh nhất.
Gặp anh Tiến Hải, người có thâm niên nghề lặn thuê đã 16 năm nay, nói: “Cũng vì gia cảnh khó khăn mà tôi phải ra đi lặn thuê. Trước đây, sò, ngọc trai còn nhiều, thu nhập mỗi tháng được khoảng 5 triệu đồng, nay nguồn sò cạn kiệt dần thì chỉ còn khoảng 2 triệu đồng/tháng. Đồng tiền đem về, vợ con dành dụm cũng vừa cất được căn nhà ngói”.
Nỗi đau từ biển
Trước tết, người dân xóm Cao Thắng vừa phải đón xác anh Cao Xuân Huệ được đưa về từ vùng biển Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Anh Huệ ra đi để lại người vợ góa và ba đứa con nhỏ dại. Đến nay, anh là người thứ 49 trong xã bị tử nạn từ cái nghề đi lặn thuê này.
Ghé thăm nhà của bà Tuyền (xóm Nam Thắng), chúng tôi cảm nhận một không khí lạnh lẽo trong ngôi nhà. Vợ chồng bà Tuyền sinh được hai người con trai, cả hai cùng sớm bỏ học đi lặn thuê. Và đau đớn thay, cả hai đều bỏ xác ở đáy biển sâu. Ông Phú - chồng bà Tuyền đau buồn thương con, lâm bệnh vừa mất.
Trong số 54 người bị tai nạn, thoát nạn tử thần trở về ở xã Kỳ Xuân thì hiện có 10 người phải sống đời sống thực vật. Chúng tôi tìm đến nhà anh Phan Văn Hồng (SN 1975, ở làng Bắc Thắng), trong căn nhà cấp bốn trống hoác, anh đang nằm xấp trên giường, tay yếu ớt, run run nâng muỗng cơm lên miệng. Bữa cơm chiều của anh Hồng cũng chỉ có chén cơm với một núm moi biển rang và chén nước mắm.
Mắt ứa lệ, anh thều thào kể: “Năm 16 tuổi, nhà nghèo, tôi phải bỏ học theo anh trai vào biển Hàm Tân-Bình Thuận bắt đầu tập lặn thuê. Trong một lần đi lặn, tôi bị ép nước (tai nạn do thay đổi áp suất đột ngột), phải nằm liệt giường 8 năm nay rồi”.
Làm cái nghề “ăn cơm dương gian làm việc âm phủ (làm dưới nước) rất khổ và nguy hiểm. Về đến làng, gặp hàng chục trường hợp bị tàn phế vì lặn cũng thấy rợn người. Biết vậy cũng vẫn phải đi chứ ở nhà lấy gì làm nuôi vợ con”, anh Tiến Hải đăm chiêu.
Anh Hồng kể: Hôm ấy, anh cùng 13 người trong xã đang lặn sâu khoảng 35m bắt sò huyết tại vùng biển Hàm Tân, Bình Thuận, chủ ghe phát hiện có kiểm ngư liền vội vã kéo anh em thợ lặn lên thuyền thật nhanh. Anh Hồng bị kéo lên quá nhanh, do thay đổi đột ngột áp suất, anh choáng váng và đổ gục xuống sàn ghe. Dù được đưa đi khắp các bệnh viện chữa trị, nhưng anh đành phải chấp nhận cảnh bán thân bất toại. Ông Trần Văn Giang (70 tuổi) bố anh Hồng nói: “Nay vợ chồng tui đang còn sức khỏe để chăm sóc, thuốc men cho nó, một mai chúng tôi về nơi chín suối, không biết nó sống thế nào đây”.
Anh Nguyễn Hữu Trình (SN 1972, ở xóm Bắc Thắng) sau sáu năm đi lặn, nay trở về trong tình trạng đôi chân teo, liệt dần theo thời gian. Anh Trình nói: “Khi phải vớt xác em Trần Liêu (16 tuổi) ở cùng làng, tôi định làm vài chuyến nữa là bỏ nghề. Nhưng tôi chưa kịp bỏ thì cũng bị “ép nước”, dốc hết tài sản vốn liếng chạy chữa, anh và gia đình cũng phải chấp nhận bị liệt”.
Anh Phan Viết Bình (xóm Cao Thắng) đi lặn thuê từ năm 15 tuổi, nay phải đi xe lăn, cho biết: Có nhiều người sau khi trở về nhà một thời gian mới phát bệnh. Thường các chủ ghe, thuyền khoán nếu bắt được sò, ngọc trai nhiều thì được hưởng nhiều nên thợ lặn thường tham công tiếc việc làm hơn 10 tiếng/ngày dưới đáy biển với phương tiện hành nghề rất thô sơ, thiếu thốn. Trong giới lặn thuê, thợ lặn xã Kỳ Xuân lặn nổi tiếng vì dám lặn sâu, nhưng cũng có tiếng về con số tử nạn và tàn phế với nghề lặn thuê này .
BẾN THỦY
SGGP-Vì miếng cơm manh áo, người dân xã miền núi Kỳ Xuân (huyện Kỳ An, tỉnh Hà Tĩnh) rời làng quê bình yên vào các tỉnh phía Nam hành nghề lặn thuê. Nghề lặn đã giúp họ tạo dựng cơ ngơi cho gia đình với một cuộc sống tương đối ổn định. Nhưng trong đồng tiền họ đem về, lẫn trong vị mặn của nước biển còn có vị của mồ hôi, nước mắt và cả máu. Đến nay, cả 8 làng trong xã đã có hơn 100 người tàn phế, tử nghiệp vì nghề lặn thuê này.
Sống nhờ biển
Dẫn tôi đi trên con đường vào xã Kỳ Xuân, anh Trần Thỏa nói: “Từ khi trong xã có nhiều người đi lặn thuê, nhiều nhà đã xóa được tranh tre, nứa lá, mà xây được nhà cao tầng đó. Mấy bữa ni, do giáp tết, một số người đi lặn thuê về thăm nhà, chứ ngày thường anh đến, trong xã ni chủ yếu là các cụ già, đàn bà và con nít thôi”.
Ông Nguyễn Xuân Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân, cho biết: “Toàn xã có 8 làng thì cả 8 làng đều có dân đi lặn thuê khắp trong Nam ngoài Bắc, nhưng đông nhất là họ vào lặn bắt sò, mò trai ở Bình Thuận. Từ những năm 1993 trở lại đây, trung bình mỗi năm có hơn 600-700 lượt người dân đi lặn, có những năm hơn 1.000 người đi. Đến nay, từ nghề đi lặn thuê nhiều hộ trong xóm kinh tế có khá hơn, nhưng cũng hay nhận được... tin buồn”.
Theo ông Lĩnh, trước đây, ngư dân vẫn làm nghề lặn và đánh bắt cá bằng thuyền nhỏ gần bờ, nhưng từ ngày xuất hiện nạn đánh bắt hải sản bằng chất nổ và xung điện thì nguồn tôm, cá gần bờ cạn kiệt dần.
Không có tiền đóng thuyền đánh bắt xa bờ, thanh niên phải vào các tỉnh miền Nam kiếm kế mưu sinh.
Ban đầu, có một số thanh niên ở làng Bắc Thắng đi lặn thuê bắt sò cho các chủ ghe ở tỉnh Bình Thuận đưa về hàng chục triệu đồng/năm, thế là người này kéo người kia cùng đi. Những năm đầu, người dân Kỳ Xuân xem nghề lặn thuê mở ra cơ hội đổi đời làm giàu nhanh nhất.
Gặp anh Tiến Hải, người có thâm niên nghề lặn thuê đã 16 năm nay, nói: “Cũng vì gia cảnh khó khăn mà tôi phải ra đi lặn thuê. Trước đây, sò, ngọc trai còn nhiều, thu nhập mỗi tháng được khoảng 5 triệu đồng, nay nguồn sò cạn kiệt dần thì chỉ còn khoảng 2 triệu đồng/tháng. Đồng tiền đem về, vợ con dành dụm cũng vừa cất được căn nhà ngói”.
Nỗi đau từ biển
Trước tết, người dân xóm Cao Thắng vừa phải đón xác anh Cao Xuân Huệ được đưa về từ vùng biển Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Anh Huệ ra đi để lại người vợ góa và ba đứa con nhỏ dại. Đến nay, anh là người thứ 49 trong xã bị tử nạn từ cái nghề đi lặn thuê này.
Ghé thăm nhà của bà Tuyền (xóm Nam Thắng), chúng tôi cảm nhận một không khí lạnh lẽo trong ngôi nhà. Vợ chồng bà Tuyền sinh được hai người con trai, cả hai cùng sớm bỏ học đi lặn thuê. Và đau đớn thay, cả hai đều bỏ xác ở đáy biển sâu. Ông Phú - chồng bà Tuyền đau buồn thương con, lâm bệnh vừa mất.
Trong số 54 người bị tai nạn, thoát nạn tử thần trở về ở xã Kỳ Xuân thì hiện có 10 người phải sống đời sống thực vật. Chúng tôi tìm đến nhà anh Phan Văn Hồng (SN 1975, ở làng Bắc Thắng), trong căn nhà cấp bốn trống hoác, anh đang nằm xấp trên giường, tay yếu ớt, run run nâng muỗng cơm lên miệng. Bữa cơm chiều của anh Hồng cũng chỉ có chén cơm với một núm moi biển rang và chén nước mắm.
Mắt ứa lệ, anh thều thào kể: “Năm 16 tuổi, nhà nghèo, tôi phải bỏ học theo anh trai vào biển Hàm Tân-Bình Thuận bắt đầu tập lặn thuê. Trong một lần đi lặn, tôi bị ép nước (tai nạn do thay đổi áp suất đột ngột), phải nằm liệt giường 8 năm nay rồi”.
Làm cái nghề “ăn cơm dương gian làm việc âm phủ (làm dưới nước) rất khổ và nguy hiểm. Về đến làng, gặp hàng chục trường hợp bị tàn phế vì lặn cũng thấy rợn người. Biết vậy cũng vẫn phải đi chứ ở nhà lấy gì làm nuôi vợ con”, anh Tiến Hải đăm chiêu.
Anh Hồng kể: Hôm ấy, anh cùng 13 người trong xã đang lặn sâu khoảng 35m bắt sò huyết tại vùng biển Hàm Tân, Bình Thuận, chủ ghe phát hiện có kiểm ngư liền vội vã kéo anh em thợ lặn lên thuyền thật nhanh. Anh Hồng bị kéo lên quá nhanh, do thay đổi đột ngột áp suất, anh choáng váng và đổ gục xuống sàn ghe. Dù được đưa đi khắp các bệnh viện chữa trị, nhưng anh đành phải chấp nhận cảnh bán thân bất toại. Ông Trần Văn Giang (70 tuổi) bố anh Hồng nói: “Nay vợ chồng tui đang còn sức khỏe để chăm sóc, thuốc men cho nó, một mai chúng tôi về nơi chín suối, không biết nó sống thế nào đây”.
Anh Nguyễn Hữu Trình (SN 1972, ở xóm Bắc Thắng) sau sáu năm đi lặn, nay trở về trong tình trạng đôi chân teo, liệt dần theo thời gian. Anh Trình nói: “Khi phải vớt xác em Trần Liêu (16 tuổi) ở cùng làng, tôi định làm vài chuyến nữa là bỏ nghề. Nhưng tôi chưa kịp bỏ thì cũng bị “ép nước”, dốc hết tài sản vốn liếng chạy chữa, anh và gia đình cũng phải chấp nhận bị liệt”.
Anh Phan Viết Bình (xóm Cao Thắng) đi lặn thuê từ năm 15 tuổi, nay phải đi xe lăn, cho biết: Có nhiều người sau khi trở về nhà một thời gian mới phát bệnh. Thường các chủ ghe, thuyền khoán nếu bắt được sò, ngọc trai nhiều thì được hưởng nhiều nên thợ lặn thường tham công tiếc việc làm hơn 10 tiếng/ngày dưới đáy biển với phương tiện hành nghề rất thô sơ, thiếu thốn. Trong giới lặn thuê, thợ lặn xã Kỳ Xuân lặn nổi tiếng vì dám lặn sâu, nhưng cũng có tiếng về con số tử nạn và tàn phế với nghề lặn thuê này .
BẾN THỦY