• Các thành viên chú ý, NHT trở lại vẫn giữ những thông tin cũ, bao gồm username và mật khẩu. Vì vậy mong mọi người sử dụng nick name(hoặc email) và mật khẩu cũ để đăng nhập nhé. Nếu quên mật khẩu hãy vào đây Hướng dẫn lấy lại mật khẩu. Nếu cần yêu cầu trợ giúp, xin liên hệ qua facebook: Le Tuan, Trân trọng!

Giao thông, Nông - Lâm - Ngư nghiệp, làng nghề...

#1
Mỗi năm, chị Nguyễn Thị Nhâm - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh - lại bỏ ra vài tháng rong ruổi từ Bắc vào Nam. Sau mỗi chuyến đi phải chi phí bằng tiền túi ấy, chị lại đem về làng một mô hình kinh tế mới, giúp bà con thoát nghèo.
Quyết tâm giúp dân làm giàu


Từ khi còn là một cô thư ký xóm, chị Nhâm đã sớm nhận ra rằng hơn 80% người dân trong xã quá khổ, nghèo, quanh năm chân lấm, tay bùn mà chẳng đủ ăn. Chị tự nhủ, không lẽ người dân xã mình cứ lẩn quẩn như thế này mãi; muốn thoát nghèo nhất định phải có nghề. Xuất phát từ suy nghĩ đó, chị quyết tâm rong ruổi đi khắp nơi tìm và học nhiều nghề, về truyền lại cho bà con trong xã.

Vì vậy, ngày chị lên xã làm việc, tối về rảnh rỗi lại nghe đài, báo… Hễ ở đâu có thông tin về mô hình kinh tế làm giàu là chị lại một mình khăn gói lên đường học nghề. “Những chuyến đi đó gian nan vất vả vô cùng. Tôi thường tranh thủ làm sao học được nghề trong thời gian ngắn nhất để về truyền đạt cho chị em, đỡ tốn kinh phí ăn học”, chị kể.

Sau những chuyến vào Nam ra Bắc, chị đã đưa về làng không biết bao nhiêu mô hình làm giàu như chăn nuôi trang trại, trồng lúa xen canh thả cá, tập thể hùn vốn làm giàu, trồng nấm, đan len... Gần đây nhất, chị lại giúp chị em trong xã làm quen với nghề đan mây tre xuất khẩu.

Chị tâm sự, học được nghề đã khó, khâu tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn hơn. Để chị em yên tâm sản xuất, chị phải tự đứng ra hợp tác với các cơ sở lớn, trực tiếp nhận nguyên liệu, lo bao tiêu sản phẩm. Chị cho biết, riêng nghề đan len có thể cho chị em thu nhập bình quân 400-500 nghìn đồng/tháng.

“Tôi mong chị em sớm có cái nghề trong tay, đỡ một phần cuộc sống, chứ để thời gian nhàn rỗi thì uổng lắm”, chị tâm sự.

Không chỉ truyền đạt nghề cho mọi người, chị còn vận động các chị em lập nên “Quỹ tín dụng” để cùng giúp nhau làm giàu. Dù mới thành lập được một năm nhưng quỹ tín dụng do chị khởi xướng đã có vốn lưu động gần 10 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn làm kinh tế.

Người chị cả tận tụy
Dù đã ở tuổi 55, đã từng giúp không biết bao nhiêu gia đình trong xã đổi đời, nhưng bản thân chị Nhâm vẫn ngày ngày cọc cạch xe đạp đi làm. Chị bảo không dám mua xe máy vì còn phải để dành tiền đi học nghề.

Từ năm 2000 đến nay, mô hình trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp của gia đình chị thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm và trở thành mô hình kinh tế tiên tiến ở huyện Cẩm Xuyên. Với mô hình làm giàu này, năm 2004, chị được bầu chọn là người phụ nữ sản xuất giỏi của tỉnh Hà Tĩnh; năm 2006 là đại biểu của phụ nữ Hà Tĩnh tham dự phong trào “ba đảm đang” khu vục phía Bắc và Bắc Trung Bộ do Ủy ban thường trực MTTQVN tổ chức.

Là một cán bộ luôn hết lòng vì chị em, là một tấm gương làm kinh tế giỏi, chị Nguyễn Thị Nhâm được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen Vì sự nghiệp xây bảo vệ xã hội chủ nghĩa, được Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen Vì sự chỉ đạo xuất sắc về công tác hội. Ngoài ra, chị còn nhận được nhiều bằng khen khác của tỉnh, của huyện...

Bao nhiêu năm nay, chị Nhâm được chị em phụ nữ xã Cẩm Thành âu yếm gọi là chị cả, cả đời tận tụy lo cho các em.

Theo Báo Dân Trí​
 

haulytieulong

Điều Hành Viên
#2
Lộc Hà tạo tiền đề cho vụ đông xuân thắng lợi toàn diện


Xây dựng, khắc phục hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất.
Lộc Hà tạo tiền đề cho vụ đông xuân thắng lợi toàn diện
11:20' AM 2/11/2007 (GMT+7)


Trong muôn vàn khó khăn của một huyện mới được khai sinh cũng như trước những trận cuồng nộ của thiên nhiên đổ xuống vụ mùa đầu tiên này, Đảng bộ và nhân dân Lộc Hà đang đồng tâm đồng sức cùng vươn lên giành thắng lợi trên từng thửa ruộng.




Bên cạnh tập trung khắc phục hậu quả của bão số 5, huyện đồng thời chỉ đạo các địa phương khẩn trương khảo sát những diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do ngập úng. Từ đó, xây dựng kế hoạch khắc phục đối với từng loại cây, từng vùng đất một cách hợp lý. Cùng với việc nhanh chóng cấp kinh phí hỗ trợ của tỉnh cho mỗi xã 5 triệu đồng để mua lại giống cây vụ đông, huyện phân công các phòng, ban bám địa bàn để chỉ đạo, giúp đỡ các địa phương chuẩn bị đầy đủ về giống, phân bón, đẩy nhanh tiến độ sản xuất ngay khi thời tiết thuận lợi. Những diện tích cây trồng chịu ảnh hưởng nhẹ đã được người dân khẩn trương khắc phục ngay sau bão, còn lại hàng trăm ha rau, khoai lang và lạc bị mất trắng đang được gieo trồng lại với mục tiêu đảm bảo tổng diện tích sản xuất vụ đông đạt trên 1.000 ha theo kế hoạch. Hai mô hình trình diễn trong vụ đông là 1 ha khoai lang thương phẩm giống KC1266 (Nhật Bản) được thực hiện ở xã Thạch Mỹ và 10 ha dưa chuột Thái quả xanh 765 trên đất Thạch Bằng đều đã né tránh được thiên tai. Đặc biệt mô hình dưa chuột Thái sản xuất trên quy mô lớn được người dân phấn khởi đón nhận và đã khẩn trương gieo trồng xong trong tháng 10. Đến nay, có 80 hộ ở 2 xóm Xuân Dừa và Yên Bình (Thạch Bằng) đang thực hiện mô hình này trên diện tích đất chuyên sản xuất dưa hấu. Dưa chuột Thái cho thu hoạch chỉ sau 50 ngày, vì vậy, mặc dù xuống giống muộn nhưng sau khi thu hoạch vụ đông, người dân vẫn kịp quay vòng vụ dưa hấu mới.

Cùng với đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ đông, huyện Lộc Hà đã lập kế hoạch cho vụ sản xuất đông xuân 2007-2008. Đây là vụ sản xuất đầu tiên có sự chỉ đạo từ đầu của các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở nên mặc dù gặp nhiều khó khăn khách quan, nhưng Lộc Hà vẫn đặt mục tiêu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tỉnh giao. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, khai thác triệt để lợi thế từng vùng đất tiếp tục được đẩy mạnh gắn với tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón và biện pháp canh tác vào sản xuất để hình thành các mũi nhọn - chuyên canh lúa hạ Can, màu ở biển cửa… Vụ đông xuân 2007-2008, Lộc Hà phấn đấu khai thác tối đa tiềm năng đất đai, lao động để gieo trồng 5.364 ha, trong đó diện tích lúa chiếm trên 50%, còn lại là cây màu và rau, đậu các loại.

Cùng với tập trung cho các loại cây trồng vụ đông, lĩnh vực chăn nuôi được đầu tư phát triển theo hướng cải tạo giống con nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung, từng bước nâng cao giá trị thu nhập từ lĩnh vực được xem là chiếm vị trí chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp. Theo đề án sản xuất của huyện, trong vụ đông xuân tới, Lộc Hà phấn đấu đưa tổng đàn trâu, bò lên 13.425 con, đàn lợn 16.765 con, đàn gia cầm 130.205 con. Để hỗ trợ nhân dân triển khai có hiệu quả vụ đông xuân, huyện đang tiến hành in ấn quy trình, lịch thời vụ và lên kế hoạch tập huấn kỹ thuật sản xuất, đồng thời chuẩn bị xây dựng 2 mô hình: lúa lai thục hương 6 trên diện tích 2 ha và khảo nghiệm 1 ha giống lạc L23. Trên cơ sở chỉ tiêu định hướng các đối tượng cây trồng, vật nuôi của huyện, 11 xã sản xuất nông nghiệp đang tích cực xây dựng phương án sát với từng xứ đồng, từng địa bàn thôn xóm nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Và trên khắp cánh đồng, nối tiếp với vụ đông muộn, bà con nông dân Lộc Hà đang sôi nổi chiến dịch ra quân làm thủy lợi nội đồng, chuẩn bị đất, giống, phân bón… cho một vụ mùa thắng lợi toàn diện.

Mai Thủy

(theo hatinh.gov.vn)
 

peony

Member
#3
Hôm ni mới thấy tin tức quê nhà Lộc Hà của mình, đọc tin tức ni peony cũng thấy rất vui. Hi vọng là những kế hoạch đặt ra sẽ sớm được thực hiện. Thank vì bài post nhé!
 

Huấn Thạch Đài

Trái tim mùa thu
#5
Xót xa làng nghề lặn biển!

Quê ngoại tui ở Kỳ Xuân nè .Nhưng ở xóm Trần phú chứ ko phải Xuân Tiến và Thắng Lợi.
Nơi chúng tôi đến là hai thôn Xuân Tiến và Thắng Lợi, xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Tại đây, từ nhiều năm nay, thanh niên trai tráng trong làng kéo nhau vào miền Nam làm nghề lặn biển. Sau nhiều năm lao động, hành trang của họ trong những chuyến về quê là cơn tê dại khắp người, đôi chân bị liệt hoàn toàn và những câu chuyện đau thương trên sóng nước quê người…
Làng vắng thanh niên

“Thôn Xuân Tiến ở đâu hả chị?”.

“Chú cứ đi thẳng về phía biển, 3 cây số nữa là đến, gọi thôn hay làng cũng được!”.

Anh Sáng là một người may mắn, vì dù có bị tai nạn, nhưng vẫn giữ được tính mạng và quan trọng hơn là vẫn đủ tiền để mở một cửa hàng nhỏ, ngay tại quê nhà.
Vào đầu mùa gặt, con đường đất đỏ trải đầy rơm rạ dẫn chúng tôi đến thôn Xuân Tiến. Sau một cơn mưa rào, những ở gà, ổ voi trên đường lũng bũng nước. Đang đi thì thấy trước mặt có một đám đông đang lúi húi giữa đường, thì ra là họ đang cố sức để đẩy một chiếc xe trâu chở lúa bị sập bánh xuống dưới rãnh cống.

Quan sát kỹ, thấy gần chục người gắng hết sức đẩy mãi vẫn không nhích được bánh xe lên. Thì ra, họ toàn là đàn bà và mấy người đàn ông đã đứng tuổi. Nhìn quanh những thửa ruộng có nhiều người nhưng không thấy ai là thanh niên để nhờ trợ giúp…

Đi thẳng vào thôn Xuân Tiến, ghé vào một quán bên đường để hỏi nhà những người đã từng làm nghề lặn sò, chúng tôi gặp ngay một “người trong cuộc”.

Anh Trần Văn Sáng, 36 tuổi, đang loay hoay với chiếc quạt điện sửa dở liền bắt chuyện ngay khi chúng tôi vừa hỏi. “Tôi cũng từng làm nghề ấy ở Bình Thuận, nhưng bây giờ bỏ rồi, nguy hiểm lắm chú ạ. Tôi vẫn còn may mắn vì về sớm nên không bị nước ép cho tê liệt. Chú cứ vào làng mà xem, những người đi lặn ở Bình Thuận về bây giờ bị bại liệt hai chân phải đi cà lê cà lết nhiều lắm, có người không đi được nữa phải dùng xe lăn. Còn người chết vì bệnh này cũng nhiều lắm”.

Nhìn qua các lối xóm, thấy ở đây nhà cửa cũng khang trang, hầu hết là nhà mới được xây, có vài ngôi nhà hai tầng cao lớn. Hỏi ra mới biết, khoảng hai năm trở lại đây, vì quá sợ cái nghề lặn biển bắt sò nguy hiểm nên thanh niên trong làng đã vay vốn đi lao động ở các nước Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan… nên nhiều nhà cũng khá giả lên. Nhưng còn rất nhiều người vì không có điều kiện đi lao động nước ngoài thì vẫn theo nhau vào Bình Thuận làm nghề lặn sò.

Thôn Xuân Tiến và Thắng Lợi xưa nay vốn có hai nghề làm ruộng và đi biển. Nói là nghề vậy thôi chứ thực ra người dân ở đây không trông mong có ngày khá giả nhờ chính đất và biển quê mình. Bình quân mỗi nhà chỉ có hai sào ruộng, lúa cho năng suất cao cả hai vụ trong năm thì cũng chỉ đủ ăn, không có tích lũy. Bờ biển ở đây không có bãi, vũng neo đậu tàu thuyền nên rất khó phát triển nghề biển. Trước đây, người trong làng vẫn đi ghe câu cá và lặn bắt tôm hùm nhưng phương tiện quá nhỏ và tôm thì bắt lắm rồi cũng hết nên thu nhập chẳng được bao nhiêu.

Nghe nói ở Bình Thuận có nghề lặn sò thu nhập cũng khá, thế là đàn ông thanh niên khỏe mạnh trong làng rủ nhau vào trong đó làm thuê cho các chủ tàu, chỉ những người đã già và không đủ sức khỏe mới ở nhà. Nhưng vào đó, công việc buộc phải lặn nhiều giờ liên tục dưới nước sâu, nhiều người do chịu sức ép của áp suất nước quá nhiều nên đã bị bại liệt hai chân, trở về quê với thân thể tàn tật. Và có nhiều người không về nữa.

Dù biết nguy hiểm là thế nhưng vì mưu sinh, người ở thôn Xuân Tiến và Thắng Lợi vẫn tiếp tục vào Bình Thuận làm nghề lặn sò.

“Bây giờ vào làng tìm thanh niên rất hiếm, chỉ thấy đàn bà, trẻ con, người già và những người không đủ sức đi biển thôi. Đàn ông, thanh niên đi hết rồi, không đi Bình Thuận thì cũng đã đi nước ngoài. Ở bên làng Thắng Lợi cũng thế. Ở nhà toàn đàn ông chống nạng và đi cà nhắc”, anh Sáng cho biết.

Theo lời chỉ dẫn của anh Sáng, chúng tôi tìm gặp những người đàn ông đang độ tuổi sung sức nhưng phải mang chứng bệnh tê liệt hai chân từ lòng biển Phan Thiết (Bình Thuận) trở về.

Làm “âm phủ”, chết "trần gian!”


Ông Vững ngồi kể lại những tháng ngày vất vả mưu sinh dưới đáy biển Bình Thuận.

Ông Nguyễn Xuân Vững (54 tuổi, ở thôn Xuân Tiến, xã Kỳ Xuân) là một trong những người có “thâm niên” cao nhất trong nghề lặn biển bắt sò ở làng này. Trò chuyện, ông phải ngồi trên giường vì đôi chân của ông bây giờ đã bị tê liệt, không thể cựa quậy một cách bình thường, cố gắng lắm thì cũng chỉ đi lại được xung quanh nhà, không đi được xa.

“Năm 1991, tôi cùng với nhiều anh em trong làng đi vào Bình Thuận lặn thuê cho các chủ tàu trong đó. Tuy thu nhập cao hơn làm ở quê rất nhiều nhưng nghề này rất nguy hiểm, sống chết lúc nào không biết...”. - Ông Vững.

Cũng như ông Vững, người ở thôn Xuân Tiến và Thắng Lợi rời quê vào cảng Phan Thiết, họ đi liên hệ với các chủ tàu rồi theo tàu ra khơi.

Nghề lặn sò thường sáng đi, tối về, thời gian lặn dưới nước trung bình 8 giờ một ngày. Trên mỗi tàu có khoảng 12 đến 15 người lặn. Khi tàu ra cách bờ khoảng 25 - 30 km thì neo lại và bắt đầu công việc lặn bắt sò. Trên tàu có máy bơm khí ô-xy và ống dẫn khí cho người lặn ngậm vào miệng khi lặn xuống. “Người lặn phải mặc bộ áo lặn, những thứ đó thì mấy năm gần đây mới có chứ trước kia không có đâu, bây giờ anh em phải tự mua với giá 3 triệu đồng một bộ”, ông Vững nói.
Khi lặn xuống, mỗi người phải mang một chuỗi chì 15-20kg vào thắt lưng (để người dễ chìm xuống), một cái cào có răng bằng sắt và một vợt đựng sò mang trên cổ, cái vợt này khi đựng đầy sò phải nặng tới 50-60 kg.
Để bắt được sò, phải lặn sâu đến gần 20 sải tay, có khi sâu đến 25 sải tay (người trên tàu thường thả dây xuống nước để đo độ sâu trước khi lặn xuống, theo thói quen, họ đo theo đơn vị sải tay). Có loại sò nằm trên mặt cát như sò huyết, sò điệp; nhưng có loại sò móng tay thì nằm sâu trong cát, để bắt được loại này phải đào xuống cát lút cả cánh tay.
công việc của người lặn sò cứ im lặng dưới đáy biển trong sự rình rập của tử thần.
Ông Vững kể: “Đang cào sò, tôi bỗng có cảm giác khó thở, đôi chân bỗng nhiên tê buốt và mất cảm giác, may mà lúc đó còn có thể trồi lên mặt nước kịp thời. Đó là do lặn quá lâu nên bị áp suất nước ép, một hồi lâu mới bình thường trở lại. Ngày sau vẫn tiếp tục lặn, tôi không ngờ rằng vì nhiều lần bị như thế nên bây giờ đôi chân tôi sắp bị tê liệt hoàn toàn. Tôi đã chấm dứt 15 năm làm nghề lặn sò cách đây 2 năm”.
Anh Nguyên Văn Viễn (40 tuổi, ở thôn Xuân Tiến, Kỳ Xuân) đã có 12 năm làm nghề lặn sò ở biển Bình Thuận hiện bị liệt hai chân không thể đi lại. Anh trò chuyện với chúng tôi: “Tôi thấy chứng bệnh này rất lạ nhưng không hiểu vì sao. Không phải người có sức khoẻ yếu mới bị như thế, ngay cả những người rất khoẻ vẫn bị.
Nhiều người đã chết vì chứng bệnh này nhưng không giống nhau, có người chết ngay dưới nước, có người chết khi đã lên tàu, và có người đang ngồi hút thuốc bỗng lăn ra co giật rồi chết luôn... Khi làm việc thì như ở dưới âm phủ, nhưng những người chết đều chết trên trần gian. Có ngày chết đến mười mấy người trên nhiều tàu. Buổi sáng đang ngồi uống cà phê với nhau thế nhưng buổi chiều có thể thiếu đi một hai người”.
Ở hai thôn Xuân Tiến và Thắng Lợi có hơn 1.000 hộ dân mà có tới 43 người đã chết vì nghề lặn sò ở Phan Thiết. Nhiều người đang phải vật lộn với đôi chân tê liệt mặc dù đã tìm nơi chữa trị nhưng không thể khỏi bệnh, cuộc sống của họ đang chết dần chết mòn.
Gặp anh Phan Viết Bình (40 tuổi, ở thôn Thắng Lợi, xã Kỳ Xuân) mới thấy được nỗi xót xa mà nhiều người ở đây phải gánh chịu vì cuộc sống mưu sinh. Đôi chân tê liệt của anh đã nhiều năm không cử động được giờ đây thịt bắt đầu bị thối.
Sau một tháng đi chạy chữa ở Hà Nội trở về cũng vẫn phải nằm một chỗ trên giường. Từ 7 năm nay, ngôi nhà nhỏ và ba đứa con thơ đều do một mình vợ anh gánh vác. Anh nói: “Ở thôn này rất nhiều người bị liệt chân nhưng họ vẫn còn chống nạng đi được, chỉ có anh Hồng ở xóm Nam Thắng cũng phải nằm một chỗ như tôi. Bây giờ sống mà không làm gì được thì cũng không khác gì đã chết”.

Hình ảnh những người đàn ông đi cà nhắc trên cây nạng gỗ hoặc ngồi trước thềm nhà nhìn xa xăm ngậm ngùi chia tay chúng tôi. Vẫn còn nhiều người thôn Xuân Tiến và Thắng Lợi đang ngụp lặn đâu đó dưới đáy biển Bình Thuận. Ai sẽ trở về lành lặn, ai sẽ ra nhập vào đội cà nhắc? Tất cả dường như trông chờ vào sự may rủi dưới lòng đại dương mênh mông kia...
Theo vnn.vn
 

haulytieulong

Điều Hành Viên
#6
Kỳ Anh đẩy mạnh phát triển cây dó trầm

Kỳ Anh đẩy mạnh phát triển cây dó trầm

Phát huy tiềm năng, lợi thế của những vùng bán sơn địa, những năm gần đây, ngoài đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu, sản xuất và chăn nuôi, huyện Kỳ Anh còn phát triển trồng cây dó trầm.





Đến nay, toàn huyện đã trồng được hơn 50.000 cây dó trầm, tập trung ở các xã Kỳ Thượng, Kỳ Lâm, Kỳ Tây, Kỳ Sơn và Kỳ Trung… Hiện nay, huyện đang tiếp tục chỉ đạo bà con nhân dân ở các xã vùng thượng nhân rộng mô hình cây dó trầm, xem đây là hướng GQVL và làm giàu cho bà con nông dân.

PV
(nguồn:hatinh.gov.vn)
 

Huyền Thương

<br><font color=green><B><center><marquee directio
#7
Thêm một làng rau ven đô




Chúng tôi khá bất ngờ khi đứng trước vùng chuyên canh sản xuất rau, củ của xã Thạch Đài (Thạch Hà). Trên diện tích 1 ha đất được chia làm nhiều ô, thửa thẳng tắp với màu xanh của những dưa leo, mướp đắng, xà lách, cải ngọt… là tấp nập bà con nông dân gieo trồng, chăm sóc.


Mới đầu tháng 10, một số thửa ruộng sản xuất sớm đã cho thu hoạch lứa dưa chuột vụ thu và bắt đầu quay vòng sang sản xuất vụ đông. Có thể nhận thấy rõ, trong tư duy sản xuất của những người nông dân ở vùng quê bao đời gắn liền với cây lúa nước đang có một sự chuyển biến thực sự.

Thạch Đài là một địa phương có nền kinh tế thuần nông với gần 90% dân số sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. Năm 2006, sau đợt tham quan một số vùng trồng rau trong tỉnh, HTX Thống nhất - đơn vị được xã giao trách nhiệm xây dựng mô hình sản xuất mới quyết định đầu tư cho các xã viên trồng rau củ vụ đông. Với sự kết hợp giữa các biện pháp tuyên truyền, vận động và thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ, mô hình kinh tế mới đã được triển khai theo đúng kế hoạch. Năm đầu tiên trồng rau, củ vụ đông, cùng với việc tập huấn quy trình sản xuất, bám sát tiến độ phát triển của các loại cây để bổ cứu kỹ thuật, HTX Thống nhất còn trích từ nguồn quỹ của đơn vị cộng với một phần kinh phí của Phòng Nông nghiệp huyện để hỗ trợ hoàn toàn tiền giống, phân bón cho những hộ tham gia (300 ngàn đồng/sào dưa chuột, mướp đắng và 100 ngàn đồng/1 sào hành, cà rốt, xà lách). Xóm 9, Tây Đài được chọn làm điểm xây dựng mô hình với diện tích 1 ha cùng 18 hộ tham gia. Theo đánh giá từ kết quả của xóm 9, các loại rau, củ trồng trong vụ đông đầu tiên cho thu hoạch chỉ trong 2-3 tháng, với năng suất bình quân đối với dưa chuột, mướp đắng khoảng 1 tấn/ha. Thị trường tiêu thụ các loại rau màu này rất thuận lợi, sau một thời gian chào hàng ở các chợ thành phố Hà Tĩnh, thị trấn Cày, tư thương đã tìm đến tận đồng để mua. Bình quân mỗi sào đạt thu nhập 2,2 triệu đồng (trừ chi phí có lãi trên 1,5 triệu đồng). Như vậy, 1 ha trồng rau củ ở Thạch Đài trong vụ đông 2006 đã đạt giá trị thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Từ vụ mùa thắng lợi này đã khiến người sản xuất phấn khởi, tự tin mở rộng hướng đi. Ngay sau khi thu hoạch sớm vụ đông, người dân tiếp tục sản xuất chuẩn bị sản phẩm phục vụ tết Nguyên đán. Cũng từ đó, một số hộ đã tự nghiên cứu, thử nghiệm phát triển mô hình dưa chuột, mướp đắng quanh năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao như ông Nguyễn Hữu Hóa, Nguyễn Hữu Bình, Nguyễn Hữu Thuần, Nguyễn Hữu Hào… Trò chuyện với nông dân Nguyễn Hữu Hào khi ông đang thu hái lứa dưa chuột đầu tiên (trồng từ tháng 8 đến tháng 10), chúng tôi được biết, gia đình ông có chưa đầy 1 sào đất trồng dưa chuột quanh năm. Riêng vụ hè thu vừa rồi, nhờ có sự đầu tư chăm bón chu đáo, gia đình ông đã có thu nhập trên 3 triệu đồng.

Vụ đông năm 2007 này, 100% diện tích đất có khả năng canh tác vụ đông (168 ha) đã được khai thác triệt để; mỗi hộ được giao chỉ tiêu sản xuất tối thiểu 3 sào. Mô hình rau củ vụ đông đã được khẳng định hiệu quả, phù hợp với đồng đất Thạch Đài trong những năm qua, vụ sản xuất này tiếp tục được nhân rộng lên 21 ha. Trong đó, ngoài vùng chuyên canh tâp trung ở xóm 9 Tây Đài, Hợp tác xã Thống nhất sẽ đầu tư hỗ trợ giống, phân bón giúp xã viên xây dựng thêm 1 ha ở xóm 7 Đông Đài (với các loại cà rốt, dưa chuột, mướp đắng, đậu côve) để làm hạt nhân cho những vùng sản xuất rau màu mới. Ngoài ra Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đang có kế hoạch xây dựng 5 ha dưa chuột theo hình thức hỗ trợ KHKT và một phần kinh phí. Có thể xem, đây là những cơ hội mới để Thạch Đài nhân rộng hơn mô hình kinh tế hiệu quả này. Sự phát triển của vùng chuyên canh rau ven đô không chỉ mở hướng đi mới để người nông dân Thạch Đài tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn hình thành thêm một vùng cung ứng rau, củ phục vụ cho nhu cầu ngày càng lớn của Thành phố Hà Tĩnh và nhân dân các địa phương lân cận.

Mai Thủy​
 

haulytieulong

Điều Hành Viên
#8
Rừng “chết mòn” vì dân săn cây cảnh

Rừng “chết mòn” vì dân săn cây cảnh
(Dân trí) - Vài năm lại đây, đời sống kinh tế khấm khá, cây cảnh trở thành một món hàng có giá. Nhiều người dân các xã vùng thượng ở Hà Tĩnh nhanh nhạy nắm bắt được nhu cầu này của thị trường, đổ xô vào rừng khai thác những cây cảnh quý hiếm đem bán.

Nhiều cây có tuổi thọ hơn 100 năm tuổi được đào từ rừng về ươm tại vườn, chuẩn bị bán về xuôi.

“Bon sai” giữa rừng

Trong vai một người đi tìm mua cây cảnh, PV Dân trí có dịp tận mắt chứng kiến cảnh người dân các xã thuộc các huyện Kỳ Anh, Hương Khê và Hương Sơn đi săn cây quý hiếm. Các loại cây xanh, si, sơn trắng, lộc vừng, sộp,… đều bị người dân đào bới không thương tiếc. Những cây có đủ tiêu chuẩn về kích thước, tuổi thọ và thế, dáng được các thợ săn cây cảnh đào cả gốc lẫn rễ, vận chuyển ra miền Bắc tiêu thụ.

Anh N.V.L, một thợ săn cây cảnh lâu năm ở huyện Kỳ Anh, cho biết: “Mỗi chuyến vào rừng săn cây cảnh, ít ra cũng kiếm được vài triệu đến vài chục triệu đồng. Nếu bị tư thương ép giá, bọn tui tập kết cây tại một chỗ để ươm cây chờ thời”.

Thôn Hải Hà, xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh được giới sành cây cảnh gọi là làng cây cảnh. Người dân trong làng không phải là những nghệ nhân chuyên trồng, chăm và tạo dáng cây cảnh mà công việc hàng ngày của họ là vào rừng, săn cây trong rừng đem về tập kết trong làng, chờ được thời, được giá là bán. Cây từ vài chục năm tuổi đến cả trăm năm tuổi đều có, chỉ cần khách có tiền.

Tạt vào một khu vườn ven đường QL 12A, giáp biên giới Lào, chúng tôi thấy cơ man nào là cây cảnh đã được cắt tỉa cẩn thận, trồng sẵn trong chậu, chuẩn bị chuyển đi. Đủ loại, từ lộc vừng, me cho đến dầu, cóc, hoa sữa, sương muối, si… Cây nào cũng đẹp và tất nhiên giá cũng “đẹp” không kém.

Chủ hàng tên Hải cho hay, các cây ở đây không cây nào có giá dưới 10 triệu đồng. Anh này giải thích, giá đó là thích hợp bởi để có được những cây cảnh đẹp như thế này, người săn cây phải lặn lội nhiều ngày tận những vùng rừng giáp ranh với huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) hay sang vùng giáp Lào mới có. Đưa từ rừng về, họ lại cắt tỉa, chăm sóc cẩn thận rồi mới cho vào chậu, đem bán.



Anh Hải khoe vừa bán cho một khách hàng ở Hà Nội mấy cây lộc vừng với giá 160 triệu đồng, trong khi vốn bỏ ra chỉ có 60 triệu đồng. Băn khoăn chuyện vận chuyển cây về xuôi, liệu có bị bắt không, anh cười: “Chuyện đó tui lo được, anh em đã “làm luật” rồi. Người mua cây phải trả thêm tiền làm luật, muốn vận chuyển bao nhiêu chẳng được”.

Rừng xanh đang “héo”

Hải chưa phải là một “đại gia” trong nghề buôn bán cây cảnh mà chỉ là một thợ săn cây dạng “bậc trung” ở huyện Kỳ Anh. Nhắc đến từ “đại gia”, người ta nhắc đến cái tên Tuấn L ở thôn Bắc Hà, xã Kỳ Lâm. Đến thăm mảnh vườn rộng hơn ha có đủ loại cây cảnh, L chỉ vào một cây lộc vừng có kích cỡ hai người ôm mới xuể với giàn rễ phụ chằng chịt: “Cây này anh mới bứng về khoảng hơn một tuần và có người đã trả giá 26 triệu đồng, nhưng anh không bán”.

Thấy chúng tôi có vẻ ngần ngừ, anh “bồi” thêm: “Để bưng được cây này và đem về tận đây, chỉ tính riêng tiền mướn xe cẩu anh đã tốn hết 7 triệu đồng; chưa kể một tuần liền, 5 thanh niên lực lưỡng lao động cật lực mới mang được cả gốc về đây”. Anh bảo muốn có cây cảnh đẹp phải vào trong sâu vùng núi Khe Mưng hay lên vùng núi Tuyên Hoá, thậm chí sang cả nước bạn Lào.

Rừng bạt ngàn cây, nhưng để tìm được một cây có dáng bon sai không phải đơn giản. Cánh săn cây phải cơm đùm cơm nắm, lặn lội trong các cánh rừng có khi cả tháng trời mới được một cây. Tìm được cây ưng ý rồi thì đào lên, phải đào hố thật rộng để lấy được nhiều rễ, cắt được phần rễ nào là phải lấy vải ướt bọc lại ngay để chúng khỏi mất nước. Sau cùng, phải dùng một bao tải cỡ lớn có sẵn đất trộn với tro trấu buộc túm khối rễ lại rồi mới vận chuyển.

Để không bị lực lượng kiểm lâm “làm phiền”, những người săn cây phải thường xuyên bỏ tiền “làm luật”. Họ còn phải thuê xe chở cây về xuôi vào những thời điểm không có người canh gác. Nhưng quan trọng nhất là phải làm sao để cây quý sống khỏe được khi đến tay người mua. Nhiều khi cây đưa về chăm sóc không đúng cách, cây chết coi như trắng tay.

Ở hầu khắp các huyện miền núi của Hà Tĩnh, phong trào săn cây cảnh trong rừng đang diễn ra khá tấp nập. Nhiều người cho rằng của rừng, “trời cho tội gì không hưởng”, nên thấy người khác kiếm được, mình cũng phải vào rừng.


Và những cánh rừng vì thế cứ ngày càng héo tàn, những dãy núi trơ trụi báo hiệu tài nguyên rừng đang cạn kiệt. Dân “cãi”: Không vào rừng tìm cây cảnh thì biết làm gì? Còn lực lượng chức năng thì cứ như chưa từng biết về những chuyến đi rừng săn cây.


(theo dân trí)
 

Huấn Thạch Đài

Trái tim mùa thu
#9
Làm thủy điện hay phá rừng?

Dân trí) - Trong khi công trình thuỷ điện Hương Sơn, dự tính cuối năm nay sẽ hoà cùng lưới điện quốc gia, còn đang ngổn ngang, dang dở, thì huyện Hương Sơn lại đón nhận thêm hai dự án thuỷ điện mới là Rào Àn I và II. Công trình này được duyệt nằm trên những cánh rừng nguyên sinh đầu nguồn biên giới.
Rừng nguyên sinh bị khai tử
Theo tính toán của một số cán bộ UBND xã Sơn Kim 1, dự án làm thuỷ điện Hương Sơn đã khai tử hàng trăm ha rừng nguyên sinh đầu nguồn của xã, làm ảnh hưởng rất xấu về môi trường. Theo đúng hồ sơ thiết kế thì vì công trình này, 150 ha rừng nguyên sinh phải “đội nón” ra đi.
Trên thực tế, công trình thuỷ điện Hương Sơn dù mới hoàn thành khoảng ½ số lượng công việc nhưng đã “ngốn” gần 300ha rừng nguyên sinh đầu nguồn của xã. Chính quyền xã nhìn gần 150ha không nằm trong quy hoạch bị khai tử mà buốt ruột.
Câu chuyện thuỷ điện Hương Sơn chưa hết, địa phương này lại nhận thêm thông tin tỉnh Hà Tĩnh sẽ thực hiện hai dự án thuỷ điện Rào Àn I, II ngay trên đầu nguồn rừng nguyên sinh. Cả hai công trình sẽ được xây dựng trên suối Rào Àn, thuộc địa bàn xã Sơn Kim 1 và 2, với tổng diện tích là khoảng 70ha.
Các nhà đầu tư, các sở, ban, nghành liên quan đã ngồi lại tham khảo ý kiến đánh giá các tác động về môi trường khi dự án thực thi. Rất nhiều ý kiến được đưa ra. Trước hết, đại đa số cán bộ chủ chốt cho rằng rừng nằm ở khu vực suối Rào Àn có vai trò phòng hộ hết sức xung yếu; là khu vực rừng nguyên sinh tích nước và giữ nước rất tốt, với nhiều động vật, thảm thực vật dày…
Ông Trần Quốc Việt - Chủ tịch UBND xã - nhấn mạnh: 100 ha rừng vùng đệm chỉ có giá trị bằng khoảng 1ha rừng nguyên sinh. Nếu dự án làm thuỷ điện Rào Àn được thực thi, tất yếu hàng trăm ha rừng nguyên sinh sẽ khai tử; kéo theo đó là dòng chảy của hệ thống sông suối bị thay đổi, sông Ngàn Phố có thể sẽ cạn dần,…
Ngoài ra, khi công trình bắt đầu khởi công sẽ phải mở thêm một con đường dài khoảng 15km để đưa vật liệu xây dựng vào. Việc mở đường có thể gây sạt lở đất và xói mòn.
Chính quyền và nhân dân cùng phản đối
Ông Trần Quốc Việt cho biết thêm: Tại cuộc hội nghị ông đã đưa ra bản Tổng hợp ý kiến cử tri và kiến nghị của Đảng ủy, HĐND, UBND xã Sơn Kim I có liên quan đến việc xây dựng các nhà máy. Đa số nhân dân, cán bộ chính quyền đều hết sức lo lắng, không đồng thuận trong việc xây dựng hai nhà máy này.
Người dân lấy dự án thủy điện Hương Sơn ra làm minh chứng: Đang thi công dở dang, diện tích rừng bị khai tử gấp đôi so với dự đoán; hàng trăm ngàn mét khối đất đá mở đường đã “nhấn chìm” rừng, khe ngòi, sông suối…
100% người dân khi được hỏi đã phản đối kịch liệt công trình thủy điện Rào Àn. Một số cán bộ của trung tâm nghiên cứu sinh thái vùng cao đóng tại địa bàn xóm 9 xã Sơn Kim, Hương Sơn cho rằng: Khu vực suối Rào Àn có trên 10.000ha rừng nguyên sinh còn sót lại và đã được đưa vào vùng rừng phòng hộ đầu nguồn.
UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch xây dựng nơi đây trở thành khu sinh quyển ngoài trời để phục vụ cho nghiên cứu, vì vậy cần phải được bảo vệ. Bên cạnh đó họ còn cho rằng kết cấu đất nơi đây kém về độ liên kết; nếu không may hồ thủy điện vỡ thì chính họ sẽ là nạn nhân.



Nguyễn Duy
 

haulytieulong

Điều Hành Viên
#10
Rừng lại kêu cứu !

Rừng lại kêu cứu!


Chưa bao giờ những cánh rừng… nguyên sinh tại xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình lại bị tàn phá dữ dội như thế. Người ta lợi dụng mở tuyến đường xuyên Á từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đi cửa khẩu Cha Lo, xuyên qua rừng để... phá rừng. Rừng bị phá công khai, lâm tặc lập lán trại trong rừng, hạ gỗ bằng cả cưa máy.

Tan hoang rừng Thuận Hóa

Rừng Thuận Hóa, theo các cán bộ lâm nghiệp địa phương, giáp với khu vực Khe Nét có nhiều chim thú quý vì ở đây mật độ che phủ lớn, cây gỗ cao hơn 10m, có nhiều nơi cây cao đến 30m. Tuy nhiên, hiện tại lợi dụng đường xuyên Á được mở qua rừng nên người dân địa phương ồ ạt vào rừng Thuận Hóa để phá rừng.


Vận chuyển gỗ lậu ra khỏi rừng bằng trâu

Men theo con đường công vụ của những đội làm đường, đi sâu vào rừng Thuận Hóa mới thấy toàn cảnh phá rừng rầm rộ. Đi một đoạn lại thấy từng tốp trâu từ 3 đến 5 con kéo gỗ ra khỏi rừng. Đi sau trâu là gỗ, sau gỗ là đàn ông, phụ nữ, thanh niên.

Bắt chuyện với một thanh niên được biết, gỗ ra gần đến trụ sở xã là được trả tiền, có người đưa đi tẩu tán, cứ một khúc gỗ dài 2,5m được mua với giá 300.000đ khi kéo ra khỏi bìa rừng. “Một ngày làm được hai chuyến, có khi được ba chuyến là hơn đi làm thuê, làm mướn”.

Một thợ sơn tràng tên T, thú thực: “Rừng Thuận Hóa là nơi đường xuyên qua, trước đây khó đặt chân đến vì quá rậm, không có cách chi vào được để hạ gỗ. Chừ mần ăn được rồi. Sáng vô là trưa có gỗ về, tiền lại về. Trưa vô là tối có gỗ ra, tiền lại về”.

Đi dọc đường bùn đất lầy lội, tạt vào bất cứ khúc cua nào cũng thấy ngổn ngang những dấu tích rừng bị phá. Công nghệ phá rừng không còn dấu tích của rìu, búa mà cưa máy chiếm ưu thế vì tàn phá nhanh.

Trung bình mỗi cưa máy một ngày hạ được khoảng 5m3 gỗ, để hạ được một khối gỗ cần triệt 2 cây to, khi hạ hai cây gỗ to như thế nó sẽ làm đổ một khu vực khoảng 30m2 xung quanh. Như vậy sức tán phá của cưa máy là rất lớn.

Càng đi sâu vào rừng Thuận Hóa, trâu bò được huy động tấp nập vào kéo gỗ. Nhiều bãi gỗ được đốn sẵn dưới mái ta luy âm của cung đường xuyên Á. Thâm nhập sâu vào những đường mòn kéo gỗ, lại nghe ầm ĩ tiếng cưa máy hoạt động, chốc chốc lại nghe tiếng rào rào của những thân gỗ ngã xuống. Rừng bị phá công khai, nhưng không có vụ bắt bớ nào trong mấy ngày chúng tôi có mặt tại Thuận Hóa.

Công ty tư nhân “ăn” 1.000m3 gỗ


Lâm tặc xả bìa gỗ bằng
cưa máy.

Lợi dụng mở đường xuyên Á trên, một công ty tư nhân ở Hà Tĩnh có tên Phú Thành Lâm đã vào vùng rừng này chặt phá để “ăn” hơn 1.000m3 gỗ. Đơn vị trên ngay từ cuối năm 2005 đã thực hiện chiến dịch chặt phá rừng quy mô lớn với phương tiện vận tải cơ giới gồm xe reo và hàng chục phương tiện công nông khác.

Qua tìm hiểu được biết công ty này tại Hương Khê, Hà Tĩnh do ông S. làm giám đốc, được Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh thuê vào Km57 thuộc địa phận rừng Thuận Hóa, Quảng Bình chặt phá, tận thu rừng nguyên sinh.

Theo chân Công ty Phú Thành Lâm là hàng trăm người ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh cũng “noi gương” đưa cưa máy, xe công nông vào chặt phá rừng để kiếm lợi.

Sự việc Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh tự động thuê đơn vị tư nhân vào chặt phá rừng Quảng Bình đã được phát giác nhưng không hiểu vì sao, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu xử lý rốt ráo.

Chính vì thế, người dân địa phương ở Tuyên Hóa, Quảng Bình và Kỳ Anh, Hà Tĩnh thấy phá rừng có lợi lại không bị bắt bớ nên lao vào cật lực phá rừng lấy gỗ về bán kiếm lời.

Những ngày ở vùng rừng Thuận Hóa, cảnh tượng gỗ lậu ào ạt ra khỏi rừng như trẩy hội. Tiếng cưa máy cứ ì ầm mãi trong rừng. Hơn 40 xưởng cưa lậu hoạt động trên địa bàn huyện Tuyên Hóa là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc rừng bị phá. Nếu không có biện pháp đủ mạnh, chắc chắn rừng Thuận Hóa nguyên sinh nay mai chỉ là ký ức.


Minh Phong
 
#11
nhà tui cũng ở gần rừng tui thấy họ chặt phá ghê quá .ngày xưa rừng cây cối nhiều và âm u lắm nhưng bây giờ nạn phá rừng làm cho rừng trở nên hoang tàn hết cả rồi không biết đến bao giờ người dân mới nhận thức được chính họ đang tiếp tay cho hạn hán và bão lụt
 
#12
Ở đâu cũng vậy thôi, rừng chẳng còn nguyên hình hài của nó nữa đâu, các cơ quan chức năng thì bảo kê cho nhau, vừa phá rừng vừa la làng thôi, chán cho các tổ chức ở hà tĩnh lắm rồi...
 
#13
mình thấy ngăn cấm chặt phá rừng không khó chỉ là các nhà chức trách có chịu làm hay không mà thôi
 

Huyền Thương

<br><font color=green><B><center><marquee directio
#14
Hà Tĩnh: Cấp đất bất chấp dư luận

Thạch Trung những năm 80 về trước còn thuộc huyện Thạch Hà quản lý, sau khi tái lập tỉnh, tháng 11/1989 Thạch Trung sáp nhập về TX Hà Tĩnh.

Thời bấy giờ cả xã có tổng diện tích đất tự nhiên 750 ha trong đó đất sản xuất nông nghiệp 410 ha chủ yếu đất hai lúa. Kể từ khi sáp nhập giá đất lên vùn vụt và cũng từ đó số diện tích đất SX nông nghiệp của bà con nông dân được chuyển đổi thành đất ở và đất công sở cho một số cơ quan và cá nhân. Vì thế đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp lại, nông dân mất đất việc làm thiếu, đời sống dân sinh ngày một khó khăn. Chuyện lấy đất đổi công trình ở xã Thạch Trung cũng có cái được là xã đã xây dựng được một số công trình cơ sở hạ tầng, tuy nhiên bên cạnh đó việc chuyển đổi này còn nhiều khuất tất.

Bà con ở xóm Tân Trung cho hay: Việc cấp đất sai đối tượng là có thật. Năm 2003 chính quyền xã cấp 8 lô cho 8 hộ tại khu đồng Cống Biền với chủ trương là cấp cho con em trong địa phương thế nhưng chẳng hiểu sao trong đó lại có 3 suất dửng dưng từ "trên trời rơi xuống" cũng được cấp với tiêu chuẩn như con em trong địa phương này. Cũng trong năm 2003 một doanh nghiệp tư nhân ban đầu làm đơn xin cấp 1.000m2, không hiểu họ phù phép gì mà khi giao đất DN này lại nhận đến 5.000m2. Nói về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước hết phải ưu tiên cho con em địa phương, người có hộ khẩu thường trú. Còn những người có hộ khẩu từ nơi khác đến muốn có đất ở thì phải từ chuyển nhượng hoặc thông qua đấu giá đất để mua.

Thế nhưng hầu như đơn xin cấp đất của con em địa phương đều bị chính quyền ở đây "bỏ quên", ngược lại những đối tượng nói trên lại được ưu tiên số một. Lần theo đơn thư, PV NNVN tại Hà Tĩnh đã tìm hiểu và thấy rằng, vấn đề mà dân phản ánh là có bởi khu đất tại Đội Biền được quy hoạch cho 68 lô đất ở, trong đó con em trong xã chỉ được phân 8 lô, 10 lô đấu giá theo quy định còn 50 lô không hiểu cán bộ xã này đã phù phép kiểu gì mà 50 hộ nơi khác đến ở. Được biết giá đấu thầu 400 triệu đồng/lô. Trong lúc đó 50 lô của 50 hộ nói trên chỉ nộp có 80 triệu đồng/lô. Với cách làm tuỳ tiện nói trên chỉ tính 50 lô đất này nhà nước đã thất thu trên 15 tỷ đồng.

Trách nhiệm trong việc cấp đất bất chấp dư luận đó là ông Võ Tá Quế nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch UBND xã. Cùng với ông Quế có một "trợ thủ" đắc lực tham mưu là ông Lê Văn Mân nguyên cán bộ địa chính xã. Ngoài ra còn có một số cộng sự khác trong xã, họ không chỉ dàn dựng việc cấp đất sai đối tượng để thu lợi bất chính mà còn liều lĩnh tiến hành giao đất ở một số khu vực chưa được quy hoạch, thu tiền ngoài sổ sách. Nhiều người dân cho biết: Ngoài việc cấp đất sai đối tượng, hai ông này mỗi ông có cả chục miếng đất ở những vị trí béo bở, tất cả đều được đứng tên con cháu. Sau khi bị phát hiện, thanh tra UBND thành phố và các cơ quan chức năng vào cuộc, nhưng rốt cuộc những vi phạm nói trên chỉ bị kỷ luật cảnh cáo. Dư luận hết sức bất bình trước việc"quan xã" lợi dụng chức quyền, tự tung tự tác về đất đai, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chỉ xử lý theo kiểu "dơ cao, đánh khẽ"?


ANH BÌNH​
 

Huyền Thương

<br><font color=green><B><center><marquee directio
#15
Sức người đọ với sức…sâu

Chưa bao giờ nạn sâu keo trên lạc và rầy nâu trên lúa lại bùng phát dữ dội trên đồng ruộng Hà Tĩnh như vào thời điểm hiện tại. Người nông dân phải bắt sâu bằng tay vì sâu đã kháng các loại thuốc truyền thống trong khi thuốc đặc hiệu giá lại quá cao vượt quá sự chịu đựng.

Huyện Lộc Hà, vùng đất "tử địa" vốn chỉ trông chờ vào cây lạc. Thế nhưng vào thời điểm này cây lạc đang đứng trước nguy cơ bị cắn nát bởi sâu bệnh tàn phá. Theo người dân phản ánh thì vào khoảng từ trung tuần tháng 4 lại nay, các loại sâu khoang, sâu xanh sinh sôi nảy nở với tốc độ chưa từng thấy.


Sâu bệnh trở thành nỗi lo lắng của nhân dân và chính quyền Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Long.

Ngày đầu sâu mới chỉ bằng cây kim, 3 ngày sau đã thấy lớn bằng chiếc đũa. Lứa sâu đầu chưa kịp khép vòng thì lứa sâu sau đã nở rộ. Sâu ăn ngấu nghiến hết sào lạc này sang sào lạc khác. Có những ruộng lạc chỉ trong vòng một đêm sâu ăn không còn một chiếc lá. Trung bình 1m2 có từ 500-700 con sâu. Có nơi như xã Thạch Bằng gieo trồng 280 ha lạc thì cả 280 ha bị sâu tấn công.

Ông Trần Đình Nhu – Phó chủ tịch UBND xã Thạch Bằng (Lộc Hà) nhẩm tính: “Cứ thế này Thạch Bằng cầm chắc mất 50% sản lượng lạc”.

Ông Nguyễn Anh Đức, một nông dân ở huyện Lộc Hà buồn rầu cho biết: Trong đợt dịch này ông đã phải chi ra hơn 1 triệu tiền mua thuốc cho 10 sào lạc. Cùng với năng suất giảm sút, vụ lạc này đối với ông cầm chắc lỗ nặng.


Sâu không trừ bất cứ loại cây nào.

Theo tổng hợp từ Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh thì trên địa bàn toàn tỉnh có gần 3.500 ha lạc bị sâu bệnh hoành hành. Nhiều nhất là huyện Thạch Hà với 1.350 ha, tiếp đó là huyện Nghi Xuân gần 600 ha, huyện Kỳ Anh gần 500 ha…

Ông Nguyễn Trọng Hoà, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh giải thích: Sâu bệnh bùng phát mạnh là do thời tiết diễn biến thất thường. Thêm vào đó trong thời gian đầu người dân chủ quan sao nhãng phòng ngừa đến khi tập trung diệt thì sâu đã bùng phát quá mạnh.

Ông Hoà còn cho biết: Một số loại thuốc sử dụng trong thời kỳ đầu không đặc hiệu đã vô tình làm cho sâu phát sinh và lây lan nhanh hơn.

Điều đáng chú ý là trong khi sâu bùng phát dữ dội, người dân lại đang sử dụng một biện pháp ngăn chặn hết sức thủ công là huy động lực lượng ra đồng bắt... bằng tay. Lý do được giải thích là sâu đã kháng với các loại thuốc truyền thống như Super Mor 24SL, trong khi những loại thuốc hiệu quả thì giá quá đắt nông dân không chịu nổi.

Cùng với sâu bệnh hại lạc, từ đầu tháng 5 lại nay ở Hà Tĩnh, nạn rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 3 đã nở rộ và gây thiệt hại trên 2380 ha lúa Đông Xuân. Có những nơi mật độ rầy ên tới 12.000-13.000 con/1m2….

Trần Long​
 

Huyền Thương

<br><font color=green><B><center><marquee directio
#16
Hiệu quả mô hình sản xuất muối sạch ở xã Hộ Độ



Hộ Độ (huyện Lộc Hà) là một địa phương nổi tiếng về sản xuất muối ở Hà Tĩnh. Thế nhưng, việc sản xuất muối hiện nay ở Hộ Độ cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh vẫn theo tập quán cũ nên năng suất chỉ đạt từ 80-85 tấn/ha/năm, sản lượng muối hàng năm chỉ đạt từ 6.000- 7.000 tấn/năm, chất lượng muối không cao, chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng và chế biến công nghiệp, do đó doanh thu từ muối hàng năm chỉ đạt 5-7 tỷ đồng. Những năm gần đây, do giá muối thấp, đời sống diêm dân gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ đã chuyển sang đầu tư nuôi thủy sản và làm nghề khác, vì thế, diện tích muối ngày càng giảm, cánh đồng muối bỏ hoang ngày càng nhiều.

Từ thực tế đó, trong 2 năm (2006-2007), Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm xây dựng mô hình cải tạo, nâng cấp đồng muối sạch cho bà con nông dân xã Hộ Độ. Trung tâm đã hỗ trợ cải tạo được 4.200 m2 sân phơi kết tinh, 20.000 m2 sân cát lọc, 80 cái chạt lọc kết cấu bằng bê tông M200, 80 thống chứa, trên 100 giếng chứa, hàng trăm mét đường vận chuyển, cải tạo 20 sào sân phơi bằng phương pháp truyền thống nhằm đảm bảo khâu vệ sinh và tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất... Ngoài ra, còn tổ chức 4 lớp tập huấn cho trên 120 lượt người và tổ chức cho 50 người gồm các hộ nông dân, cán bộ khuyến nông đi tham quan học tập mô hình sản xuất muối sạch xuất khẩu tại Nam Định. Đây là một trong những mô hình đã đạt hiệu quả tốt, tạo niềm tin cho bà con nông dân yên tâm sản xuất từng bước giúp nông dân tạo ra được sản xuất hàng hoá đạt chất lượng tốt, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Theo tính toán của các hộ nông dân, nếu áp dụng mô hình sản xuất muối theo kỹ thuật mới, năng suất đạt từ 110-120 tấn/ha/năm, tăng so với sản xuất truyền thống từ 20-25%, đặc biệt muối có độ trắng và sạch hơn so với sản xuất truyền thống, do đó đạt hiệu quả kinh tế đạt cao hơn.

Thời gian qua, nghề làm muối tại Hộ Độ phải trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn. Muối sản xuất ra tiêu thụ không được, giá muối tụt giảm có lúc chỉ còn 300 đồng đến 400 đồng/kg. Đây là nguyên nhân khiến nhiều hộ chuyển hướng tìm nghề khác như nuôi tôm, làm thợ xây... Từ cuối năm 2007 đến nay, giá muối có chiều hướng tăng lên, diêm dân ở đây hết sức phấn khởi, do đó xã Hộ Độ đã có chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ tái đầu tư sản xuất muối như: Hỗ trợ kinh phí 1 triệu đồng/sào để làm kênh xăm cát; không thu thuế đất trong 3 năm cho người dân khai hoang mở rộng, cải tạo, nâng cấp đồng muối, tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để sản xuất... Tuy nhiên, hiện nay do không chủ động được đầu ra nên khó khăn trong tiêu thụ, phần lớn diêm dân ở đây vừa là người lao động vừa là dịch vụ để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài những yếu tố như thị trường, giá cả, đầu ra sản phẩm... nghề làm muối tại Hộ Độ thời gian qua còn có những hạn chế lớn cần khắc phục đó là, cần phải nâng cao chất lượng hạt muối nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, công nghệ sản xuất lạc hậu, chủ yếu theo tập quán cổ truyền, sân kết tinh bằng đất nện, chưa đầu tư kinh phí để sản xuất muối. Vì vậy, năng suất thấp, chất lượng muối kém .

Thực tế cho thấy, để phát huy nghề làm muối tại Hộ Độ, giúp tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho diêm dân cần có sự hỗ trợ của các cấp các ngành để nâng cấp những cánh đồng muối đã xuống cấp, đồng thời cần thực hiện ngay những biện pháp chuyển đổi tích cực để tăng năng suất, sản lượng và phẩm chất hạt muối. Theo quy hoạch và định hướng phát triển sản xuất muối đến năm 2010, sẽ mở rộng diện tích lên 120-150 ha. Theo đó cần nâng cấp, cải tạo, sửa chữa những cánh đồng muối đồng lên đến 70 ha, đồng thời ứng dụng vật liệu mới trong xây dựng ô kết tinh nhằm nâng cao chất lượng hạt muối. Tích cực cải tiến quy trình công nghệ, sử dụng máy móc (máy bơm nước) vào sản xuất, đưa năng suất muối bình quân đạt trên 100 tấn/ha, đặc biệt là việc thành lập Hợp tác xã sản xuất, thu mua muối nhằm tạo đầu ra ổn định cho diêm dân.

Bài và ảnh: Ngô Thắng​
 

nhovequehuong

Tình yêu là bất tử...
#17
Trưởng thôn tự ý "xẻo" tiền hỗ trợ heo chết

Hà Tĩnh:
Trưởng thôn tự ý "xẻo" tiền hỗ trợ heo chết
Thứ tư, 28/5/2008, 16:57 GMT+7
Sau việc người dân thôn Đông Thái phải nộp 5.000 đồng để nhận tiền hỗ trợ heo chết thì người dân 3 thôn Hưng Mỹ, Vĩnh Cần, Tân Cần lại bức xúc khi rơi vào cảnh ngộ tương tự. Có khác chăng, lần này số tiền mà họ phải nộp lớn hơn rất nhiều lần…
"Lệ phí kỳ quặc"
Khi nhận được thông báo chuẩn bị nhận tiền hỗ trợ lợn tiêu huỷ, ông Dương Ngọ (thôn Tân Cần - xã Cẩm Thành - Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) rất vui mừng, bởi gia đình ông là hộ có thiệt hại lớn nhất trong đợt dịch tai xanh vừa qua.
Nhưng niềm vui chẳng được bao lâu, bởi ông và người dân trong thôn lại nhận được thông báo qua loa phát thanh từ nhà ông xóm trưởng Nguyễn Huy Hoành: Phải nộp 50.000 đ/tạ lợn để "trả công" cho những người tiêu huỷ, số tiền đó sẽ được trừ khi nhận được tiền hỗ trợ.
Người dân đang phản ánh bức xúc
Không chỉ người dân thôn Tân Cần nhận được "thông báo kỳ quặc" đó, mà trong xã Cẩm Thành còn có thôn Vĩnh Cần và Hưng Mỹ, cán bộ hai thôn này cũng bắt dân phải nộp lệ phí 30.000 đ/tạ lợn khi nhận tiền hỗ trợ. Ông Biện Văn Hoà - Trưởng thôn Vĩnh Cần và ông Trần Đình Nhân - Trưởng thôn Hưng Mỹ là những người đưa ra quyết định này.
Anh Nguyễn Ngọc Thành, một người dân thôn Tân Cần bức xúc: "Chúng tôi nghe nói là những người đi tiêu huỷ đã được Nhà nước trả công rồi, không biết sao cán bộ thôn lại bắt chúng tôi nộp tiền để trả công cho họ lần nữa? Tiền hỗ trợ chúng tôi nhận không được bao nhiêu mà lại còn phải nộp thêm tiền nữa. Thật vô lý!".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tổng số tiền mà cán bộ thôn thu được của người dân có heo bị tiêu hủy khá lớn: thôn Tân Cần thu được 3.240.000 đồng, thôn Vĩnh Cần thu được 2.090.000 đồng, thôn Hưng Mỹ thu được 2.370.000 đồng. Tất cả số tiền trên đều được các cán bộ thôn trừ trong tổng số tiền hỗ trợ mà người dân nhận được.
"Sai hoàn toàn, phải trả lại cho dân!"
Sự việc cán bộ của 3 thôn trên tự ý thu thêm tiền đền bù tiêu hủy heo tai xanh đã gây bức xúc cho người dân các thôn này. Cả xã Cẩm Thành có tới 19 thôn, nhưng chỉ có 3 thôn Tân Cần, Vĩnh Cần và Hưng Mỹ bắt dân nộp lệ phí khi nhận tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, sự bức xúc của người dân 3 thôn đến ngày 27/5, chính quyền xã Cẩm Thành mới biết. Chiều cùng ngày, xã đã tổ chức một cuộc họp toàn bộ Bí thư, trưởng thôn trong toàn xã để làm rõ việc thu tiền này.
Ông Nguyễn Văn Mỹ
Trước xã, các trưởng thôn đều giải thích việc thu tiền sai nguyên tắc này là để... trả tiền hỗ trợ cho những người đi tiêu huỷ. Ông Nguyễn Huy Hoành (Trưởng thôn Tân Cần) nói: "Chúng tôi đã họp và thông qua ý kiến của nhân dân, tất cả đều đồng tình và đã lập văn bản. Đây là quyết định của ban cán bộ thôn, không phải của riêng mình tôi".
Còn các trưởng thôn khác cũng đều nói chung chung là... "có sự đồng tình" của các Bí thư chi bộ thôn và nhân dân. Nhưng khi đề nghị được xem văn bản họp dân thì các ông đều trả lời là... để ở nhà.
Chị Phan Thị Thanh (thôn Tân Cần) nói: "Làm gì có chuyện họp dân và chúng tôi đồng tình. Các ông ấy chỉ thông báo trên loa và trừ tiền của chúng tôi trong số tiền hỗ trợ. Khi chúng tôi bức xúc thì ông Hoành mới tổ chức một cuộc họp và giải thích là mượn tiền của dân để trả cho những người đi tiêu huỷ".
Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành khẳng định: "Xã không có chủ trương này, các bí thư và trưởng thôn đã tự ý thu tiền. Việc thu tiền này là sai hoàn toàn, phải trả lại cho dân và sẽ xử lý các cán bộ thôn đã làm sai. Thật đáng tiếc là sự việc này đã xảy ra khá lâu nhưng bây giờ xã mới biết".
Trước đó, ông Trần Đình Tiến - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên đã từng nói: "Đối với tiền hỗ trợ thì không được bớt một xu của dân. Chúng tôi sẽ chỉ đạo để xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân liên quan đến chuyện này”.
Thế nhưng, không lâu sau đó, sự việc lại tái diễn và lần này tổng số tiền lên đến gần 8 triệu đồng (lần trước, tại thôn Đồng Thái là 265.000đ). Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với ông Trần Đình Tiến, nhưng không thấy ông trả lời. Không rõ, ngoài những địa phương mà chúng tôi nêu trên, còn có nơi nào người dân vẫn đang phải nộp thứ "lệ phí kỳ quặc" để được nhận tiền hỗ trợ heo chết nữa hay không ?!
 

Mr.Tony

Thành viên
#18
ôi zồi,mầy lạo này, đúng là ngu hết chỗ nói. tham từ thôn tham lên thì hỏi mần răng dân nỏ khổ.
 

ngu1vietnam

Cuốn Theo Chiều Gió
#19
Léo mẹ bọn nó, đến cả dân bị thiệt hại nó còn xà xẻo thì không biết bao giờ Việt Nam "sánh vai cùng các cường quốc năm châu". đúng là: thượng ủng tai, hạ ủng tai, ỉ đầu lại. mà cán bộ huyện Cẩm Xuyên làm cái ló gì để dân kêu khổ như thế này nhỉ, cái bọn này chỉ có đu.c khoét thì tài thôi. Tớ là một trong những thằng may mắn không phải chịu sự quản lý của bọn ngu lâu dốt bền khó đào tạo này không thì đời em cũng khốn văn khổ với bọn này. tiện thể chuyện này em kể cái chuyện ở xã Cẩm Trung em nghe bùn cười lắm
trong nhà có hai thằng con trai đều đi tù mà cấp cho cái bằng "gia đình văn hóa" còn ở cạnh bên thì có 3 anh em vào đại học bố mẹ là cán bộ nhà nước về hưu thì không được gia đình văn hóa, chi bộ nguoihatinh cảm thấy có nực cười không? lại nữa cán bộ ở quê em học Đại Học xong khi ấy mới học bổ túc văn hóa lấy bằng 12 ấy. mà cả nhà ta có ai muốn học xong Đại Học rồi lấy bằng 12 thì vào quê em nhé. cho nên ở quê em có câu vè rất hay em post cho mọi người đọc cho vui.
Chuyện đâu có chuyện lạ đời
Đại học học trước lớp 10, học sau
 

Mr.Tony

Thành viên
#20
Léo mẹ bọn nó, đến cả dân bị thiệt hại nó còn xà xẻo thì không biết bao giờ Việt Nam "sánh vai cùng các cường quốc năm châu". đúng là: thượng ủng tai, hạ ủng tai, ỉ đầu lại. mà cán bộ huyện Cẩm Xuyên làm cái ló gì để dân kêu khổ như thế này nhỉ, cái bọn này chỉ có đu.c khoét thì tài thôi. Tớ là một trong những thằng may mắn không phải chịu sự quản lý của bọn ngu lâu dốt bền khó đào tạo này không thì đời em cũng khốn văn khổ với bọn này. tiện thể chuyện này em kể cái chuyện ở xã Cẩm Trung em nghe bùn cười lắm
trong nhà có hai thằng con trai đều đi tù mà cấp cho cái bằng "gia đình văn hóa" còn ở cạnh bên thì có 3 anh em vào đại học bố mẹ là cán bộ nhà nước về hưu thì không được gia đình văn hóa, chi bộ nguoihatinh cảm thấy có nực cười không? lại nữa cán bộ ở quê em học Đại Học xong khi ấy mới học bổ túc văn hóa lấy bằng 12 ấy. mà cả nhà ta có ai muốn học xong Đại Học rồi lấy bằng 12 thì vào quê em nhé. cho nên ở quê em có câu vè rất hay em post cho mọi người đọc cho vui.
Chuyện đâu có chuyện lạ đời
Đại học học trước lớp 10, học sau
gia đình văn hoá phụ thuộc vào đóng các khoản quỹ ủng hộ, quỹ linh tinh beng có đầy đủ ko bác ạ. HT nó phải khác ng tý chứ :D:JFBQ00193070413A: