MU- Loserfool : Tồn tại hay không tồn tại
Trước thềm trận đấu giữa Liverpool và M.U, lại một lần nữa cái câu hỏi: “To be or not to be?” được đặt ra. Mối thù huyền thoại giữa M.U và Liverpool, trong bối cảnh ngày hôm nay, tồn tại hay không tồn tại?
1.“To be or not to be”, tồn tại hay không tồn tại, Hoàng tử Hamlet nước Đan Mạch tự vấn chính mình. Câu nói trong cảnh III, vở bi kịch Hamlet của Shakespeare đã trở thành một huyền thoại. Nó không chỉ phản ánh hoàn cảnh của chính Hamlet lúc ấy, mà là trăn trở muôn đời của cả nhân loại.
“Tồn tại hay không tồn tại?” - nếu đặt vào bối cảnh cụ thể của vở kịch, có thể hiểu rằng Hamlet đang đấu tranh giữa việc tự vẫn để giải thoát bản thân khỏi những bi kịch, hay đi trả thù cho cha (đồng nghĩa với việc giết chú ruột mình).
Nhưng hiểu rộng hơn, nó là một trăn trở về thái độ đấu tranh: cái động từ “to be” trong tiếng Anh gần như không có giới hạn về nghĩa. Có thể là chết hay sống, tin tưởng hay hoài nghi, tiến lên hay lùi lại, là chính bản thân mình hay trở thành con người khuôn mẫu của xã hội… Câu hỏi ấy là biểu tượng cho sự lưỡng lự, thứ bất kỳ người nào cũng phải đối mặt trong cuộc đời.
2.Trước thềm trận đấu giữa Liverpool và M.U, lại một lần nữa cái câu hỏi: “To be or not to be?” được đặt ra. Mối thù huyền thoại giữa M.U và Liverpool, trong bối cảnh ngày hôm nay, tồn tại hay không tồn tại?
Đặt câu hỏi ấy, cũng có nghĩa là đặt câu hỏi về vị thế của Liverpool (bởi M.U vẫn đang giữ vị thế số 1 nước Anh, về danh nghĩa). Liverpool của cái thời thù hận ngút trời ấy, tồn tại hay không tồn tại? Đẳng cấp, bản lĩnh, sức mạnh và tinh thần đã gắn với tên tuổi của họ, tồn tại hay không tồn tại?
Câu hỏi ấy sẽ dễ tạo thành một cuộc tranh cãi bất tận: có nhiều lý do để tin rằng Liverpool vẫn ở cùng chiếu với M.U, minh chứng bằng trận đấu ở vòng 4 FA Cup mới đây thôi. Nhưng cũng có đầy bằng chứng để tin rằng Liverpool đã không còn là kình địch của M.U nữa: danh hiệu, vị trí trên BXH, thành tích những năm qua…
Ngay cả chính thày trò Ferguson cũng không thống nhất được quan điểm: Ryan Giggs bảo chuyện kình địch bây giờ “xưa như Diễm”, còn Ferguson bảo: quên Man City đi, đây mới là cuộc đấu lớn.
3.Khi John W.Henry đến Anfield, ông đã dập đi một nửa cái câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại?”. Khác với sự loay hoay của Hicks và Gillett, quan điểm của Henry rất rõ ràng: Liverpool phải trở lại. Sau cuộc cải cách nhân sự cực lớn trong mùa Đông năm ngoái, là gần 40 triệu bảng bội chi trong mùa Hè.
Vấn đề bây giờ có lẽ nằm trong từng cái đầu Liverpool. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng lượng testosterone, hormone nam tính, trong mỗi cầu thủ sẽ tăng cao trước mỗi trận derby: nếu họ thực sự coi đó là một trận derby, họ sẽ đá hay hơn. Và ngược lại.
Cho dù xét về danh nghĩa, khi mục tiêu của hai đội là khác nhau, thắng-thua trong trận này chỉ có ý nghĩa điểm số. Nhưng cách Liverpool đá sẽ trả lời một câu hỏi lớn về tinh thần.
Đó không chỉ là câu hỏi về sự tồn tại của “derby nước Anh” trước kia. Đó còn là câu hỏi về sự tồn tại của chính Liverpool. Tư cách nào cho họ?
Trên Internet, có một cỗ máy tính toán rất thông minh tên là WolframAlpha (ở địa chỉ wolframalpha.com). Nếu bạn gõ vào ô nhập dữ liệu của nó câu hỏi: “To be or not to be?”, nó sẽ trả lời thế này: “… that is the question” - “Đó chính là câu hỏi”, và ghi chú thêm: “căn cứ theo Hoàng tử Hamlet trong vở kịch của William Shakespeare”.
Đó luôn là một câu hỏi. Câu hỏi lớn của bất cứ con người, tập thể và khái niệm nào trên đời. Đặc biệt là với những người đang chưa biết mình nằm ở đâu, như Liverpool.
Đức Hoàng