Nguồn: Internet.
Dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu - dòng họ khoa bảng văn chương nổi tiếng ở Nghệ An xưa có các tên tuổi lừng lẫy như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ… Trong khi Nguyễn Huy Oánh và nhất là Nguyễn Huy Tự với Hoa Tiên, Nguyễn Huy Hổ với Mai Đình mộng ký đã được báo chí chuyên ngành, các bộ Từ điển Văn học, Lịch sử Văn học giới thiệu rộng rãi, thì Nguyễn Huy Quýnh dường như không mấy ai biết đến, có lẽ vì tác phẩm của ông hầu hết đã thất truyền.
1. Theo Nguyễn Thị gia tàng của Nguyễn Huy Vinh (1768 - 1816) - dòng họ Nguyễn Huy tàng bản, bản chữ Hán, có bản dịch đánh máy của cụ Lê Hữu Nhiệm, thì thân phụ Nguyễn Huy Quýnh là Nguyễn Huy Tựu (1690 - 1750), hiệu Túy Hà cư sĩ, Tú Lâm cư sĩ, đỗ Hương giải (Cử nhân), làm Tham chính Thái Nguyên, rồi Tả thị lang, được tặng hàm Thượng thư bộ Công, tước Khiết Nhã hầu. Ông có 7 người con: 5 trai, 1 gái, 1 con nuôi. Con cả là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789). Nguyễn Huy Quýnh là con trai thứ tư. Khi làm quan trong triều, ông đổi tên là Trị, hiệu Phùng Hiên và Duy Nham, biệt hiệu Dần Phong. Ông sinh ngày 19 tháng 2 Giáp Dần, niên hiệu Long Đức thứ 3 (1734). Năm 1756, ông đỗ Giải nguyên; năm sau thi Hội trúng Tam trường. Năm 1761 được bổ một chức quan nhỏ ở Nghệ An, sau thăng Tri huyện huyện Chân Phúc (nay là huyện Nghi Lộc), nhưng chưa thỏa chí bình sinh nên ông lại treo ấn từ quan, tiếp tục dùi mài kinh sử. Năm 1772 lại lều chõng trẩy Kinh thi Hội và lần này đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Sau khi đỗ đại khoa, ông được bổ làm Hộ khoa cấp sự trung, rồi Giám sát ngự sử xứ Sơn Nam. Năm 1774 giữ chức Kiêm lý lương hướng cho đạo quân triều đình đi đánh dẹp phía Nam; sau đó về triều làm Nhập nội thị giảng, Hàn lâm viện hiệu thảo. Năm 1778 giữ chức Đốc đồng xứ Sơn Nam, rồi được cử làm Tham hiệp nhung vụ đi đánh dẹp “giặc bể” (ngư dân ven biển nổi dậy chống triều đình). Lúc tham gia đánh dẹp, ông đã gửi điều trần về triều đình nói đến các tệ nạn mà không biết vì “giặc bể” mới có nó, hay vì nó mà “giặc bể” sinh ra? Đó là tệ nạn các hào mục địa phương “giả danh nghĩa đồn thủ” để “chiếm của công làm của riêng”, còn những người được ứng mộ “để đi đánh dẹp” thì “phần lớn ăn chơi đàng điếm, ngày thường không làm nên trò trống gì”. Ông đề nghị “xin nhất loạt đuổi về” tất cả bọn hào mục, còn đối với binh lính thì phải “khép vào kỷ luật thật nghiêm. Nếu không thể dùng được thì cho về cày ruộng, không nên chú trọng con số nhiều mà thả nổi cho chúng làm hại dân”. Từ Sơn Nam, ông được thăng Giám sát ngự sử đề hình, coi giúp việc cho Tam ty. Ở đây, ông lại dâng tiếp một tờ khải nói về tình hình xứ này, trong đó có một thứ giặc còn tệ hại hơn “giặc bể”; theo ông, triều đình phải “trừ khử hết tệ tham nhũng, bớt lao dịch, coi trọng đức tính giản dị, không được gây phiền nhiễu và đảm bảo sự ổn định cho dân tình”. Năm 1779 ông được phái đi làm Giám khảo trường thi Thanh Hoa. Năm 1781 được bổ làm Trực giảng ở Quốc tử giám. Nhân triều đình cầu lời nói thẳng, ông dâng sớ tâu 7 việc, trong đó lưu ý phải trừng trị bọn kiêu binh, soi xét đến tận nơi những người ở ẩn, phải biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các bậc sĩ phu… Học trò ở Quốc tử giám ca ngợi ông là “rương sách của Lai Thạch” (Nguyễn Thị gia tàng - Tài liệu đã nói ở trên).
Khoảng năm 1784, ông được thăng Hàn lâm viện đãi chế, Đốc thị đạo Thuận Quảng. Năm sau, ông mất tại nhiệm sở, được ban thụy Trung Ý, được tặng phong Hàn lâm thị giảng.
2. Cũng theo Nguyễn Thị gia tàng, tác phẩm của Nguyễn Huy Quýnh gồm có: Dần Phong thi sao (4 quyển), Dần Phong văn sao(3 quyển), Quảng Thuận đạo sử tập, Tây Hưng đạo sử tập. Hiện nay chỉ còn lại Quảng Thuận đạo sử tập và bài thơ Thác lời gái phường vải.
Quảng Thuận đạo sử tập là một cuốn địa chí viết về các đạo Thuận Hóa, Quảng Nam và ba phủ Bình Khang, Bình Thuận, Diên Khánh. Nếu so với bản đồ hiện đại, hai đạo và ba phủ này sẽ tương ứng với toàn bộ vùng đất từ Quảng Bình đến Quy Nhơn. Nếu chúng ta lần theo biên niên sử, chú ý rằng lãnh thổ nước ta đến năm 1069 đời vua Lý Thánh Tông mới mở rộng về phía Nam đến Bắc Quảng Trị; năm 1306 đời vua Trần Anh Tông mở đến hết đất Thừa Thiên - Huế; đến năm 1402 đời vua Hồ Hán Thương mở đến hết đất Quảng Ngãi; đến năm 1471 đời vua Lê Thánh Tông mở đến hết đất Quy Nhơn, thì sẽ thấy rõ hiểu biết của người đương thời về vùng đất mới này còn rất hạn chế. Có vậy mới thấy hết giá trị của tác phẩm. Trước Nguyễn Huy Quýnh, đã có Ô châu cận lục của Dương Văn An (1513 - ?) nhưng chỉ mới viết về núi sông, thành quách, phong thổ, nhân vật xứ Thuận Hóa; hơn nữa “vì văn tự chạm gọt nên mờ tối mất nghĩa” (Ngô Thì Sĩ - Lời bạt cuốn Phủ biên tạp lục). Tiếp đến là Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1726 - 1784) hoàn thành năm 1776, lúc ông giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ Thuận Hóa, viết về cả xứ Thuận và xứ Quảng(1). Ghi chép của Nguyễn Huy Quýnh không được tỉ mỉ và toàn diện như trong tác phẩm của nhà bác học Lê Quý Đôn, nhưng điều đáng quý là Quảng Thuận đạo sử tập còn có tấm bản đồ là sự minh họa bằng hình ảnh những ghi chép trong sách.
Theo các nhà nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang, Trương Chính thì Thác lời gái phường vải Nguyễn Huy Quýnhmượn lời người con gái phường vải Trường Lưu quê mình gửi Nguyễn Du, khi Nguyễn Du cũng mượn lời người con trai phường nón Tiên Điền quê ông để đáp lại trong bài Thác lời trai phường nón. Cả hai bài đều được sáng tác vào khoảng từ 1780 - 1783, trước lúc Nguyễn Du đỗ Tam trường thi Hương và tập tước quan võ của cha nuôi. Lúc này Nguyễn Huy Quýnh vào khoảng 47 - 50 tuổi và Nguyễn Du khoảng 16 - 19 tuổi(2). Theo tôi, thời gian sáng tác hai bài này chắc chỉ trong khoảng thời gian mấy tháng từ sau vụ án năm Canh Tý (1780) đến trước thời điểm Nguyễn Huy Quýnh được bổ làm Tư nghiệp Quốc tử giám (1781)(3).
Để hiểu được đặc sắc các tác phẩm Nôm này cần nắm vững bối cảnh của nó. Làng Trường Lưu quê hương Nguyễn Huy Quýnh là một trong ba làng của xã Lai Thạch, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, trấn Nghệ An, nay thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Từ thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, Trường Lưu nổi tiếng là đất văn vật ở xứ Nghệ. Ở đây theo Trường Lưu giai sự vịnh của Nguyễn Huy Cừ thì:
Cảnh vui người cũng chẳng phàm,
Tứ dân rả rích, chín chòm xôn xao.
Ruộng đất Trường Lưu nhiều và màu mỡ nên đời sống nông dân khá ổn định. Ngoài nghề nông, còn có nghề mộc và nhất là nghề bông vải. Đàn bà con gái chủ yếu ở nhà kéo sợi dệt vải. Do được thong thả hơn các vùng khác nên gái Trường Lưu nổi tiếng xinh đẹp(4). Có câu ca:
Muốn tắm mát thì ra giếng Đoài
Muốn lấy vợ đẹp, hỏi ngài (người) Trường Lưu.
Con gái Trường Lưu còn giỏi hát ví và làng Trường Lưu là một trong những trung tâm của ví phường vải, thu hút nhiều văn nhân tài tử xa gần.
Khi chưa xuất chính, Nguyễn Du thường lui tới Trường Lưu và từng qua lại với gái đẹp phường vải làng này như o Uy, o Sạ… Trong Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu thi hào đã mô tả rất sinh động sinh hoạt hát ví ở đây:
Quây ngoài sân thì trong làng chín mười ả, ả ví, ả hát, ả kéo sợi, ả đưa thoi, lại có ả bưng trầu tận miệng, mỹ nữ như hoa.
Léo trên giường thì quan họ năm bảy ông, ông nói, ông cười, ông ngâm thơ, ông đọc truyện, lại có ông đắp áo trùm đầu, cao bằng mãn tọa…
Vào thời gian từ năm Giáp Ngọ (1774) trở đi, trấn Nghệ An khá thịnh vượng. Tại làng Trường Lưu, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đã về trí sĩ từ năm 1777, sau đó không lâu có chiếu khởi phục, nhưng rồi ông lại nhanh chóng cáo quan về dạy học vào khoảng 1779 - 1780. Ông lập thư viện Phúc Giang, chứa tới hàng ngàn quyển sách. Học trò ông có tới 30 vị đỗ đại khoa, làm quan tại triều có hơn 50 vị(5). Trường Lưu thật nhộn nhịp, ở đây có chợ, có trường học, thư viện, việc tụ tập của các văn nhân tài tử càng thuận lợi.
Khung cảnh sinh hoạt văn hóa sống động đó đã tạo điều kiện cho hai bài thơ Nôm “thác lời” của hai danh sĩ ra đời. Ở đây, Nguyễn Huy Quýnh đã nói hộ cho người con gái phường vải làng mình, còn Nguyễn Du thì thay lời người con trai làng nón Tiên Điền quê ông đáp lại. Dĩ nhiên hai bài này cũng thể hiện tình cảm của hai thi sĩ qua việc “thác lời” vì họ cũng là người trong cuộc.
Bài thơ của Nguyễn Huy Quýnh có nhiều từ chỉ các dụng cụ dệt vải như “xa, quay, cưởi, thoi, bàn đạp, ác, trục, chẽ, giằng…” diễn đạt tình cảm nhớ trông qua công việc, trách móc Nguyễn Du ra về để thương, để nhớ cho bạn tình. Lời thơ lục bát thật tinh tế, nhuần nhị, thể hiện tình cảm của người con gái một cách sâu sắc, kín đáo:
Khi lên để rối cho nhau,
Khi về trút một gánh sầu về ngay.
Xua buồn từ nớ lại nay,
Nào ai mó đến xa quay xin thề.
Thẹn thùng đường cưởi đi về,
Chân dừng bàn đạp, tay e thoi chuyền…
Vì sợ phải buồn tủi thêm mà người con gái không dám bắt tay vào công việc của mình. Nàng ở vai thụ động nên chỉ biết than, biết trách và rối “bòng bong” trong nỗi nhớ nhung:
Chẽ chuyền giằng lại tháo ra,
Gần nhau cách quạng vành xa mấy hồi.
Liều bằng khổ một gò đôi,
Liều như bông đã bắn rồi bòng bong.
Nguyễn Du đã dùng những từ chỉ sản phẩm và nguyên liệu của nghề làm nón như “lịp, tơi, bó vọt, đống sườn, bẹ móc, nắm dang…” thay lời con trai làng nón để đáp lại:
Quê nhà nắng sớm mưa mai,
Đã buồn dở đến lịp tơi càng buồn.
Thờ ơ bó vọt đống sườn,
Đã nhàm bẹ móc lại hờn nắm dang...
Dù chỉ với 20 câu nhưng Thác lời gái phường vải của Nguyễn Huy Quýnh cùng với Thác lời trai phường nón dài 34 câu của Nguyễn Du là hai áng thơ lục bát xuất sắc, góp phần mở đường cho kiệt tác Đoạn trường tân thanh tức Truyện Kiều xuất hiện ít lâu sau đó. Nguyễn Huy Quýnh xứng đáng là nhà thơ tài năng, một vị quan thương dân, liêm khiết, trung thực, can đảm, tấm gương sáng cho các nhà Nho xứ Nghệ thuở xưa và cho các trí thức, quan chức Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay.
Chú thích:
(1) Xem: Lê Quý Đôn toàn tập, tập1, Phủ biên tạp lục, Nxb. Khoa học Xã hội, H.1977 và Hồ Sĩ Hùy: Lê Quý Đôn - người đi đầu trong việc mở rộng đối tượng sử học, Tạp chí Xưa và Nay số 287 (7/2007).
(2) Nguyễn Thạch Giang - Trương Chính biên khảo và chú giải, Nguyễn Du niên phổ và tác phẩm, Nxb. Văn hóa Thông tin, H.2001.
(3) Vụ án năm Canh Tý lập Cán thay Tông. Nguyễn Khản (bố hai người vợ Nguyễn Huy Tự - cháu ruột Nguyễn Huy Quýnh) bị giam, được miễn tội chết. Nguyễn Huy Quýnh chắc sợ bị liên lụy, cáo quan về làng. Nguyễn Thị gia tàng không nói gì về điều này, nhưng cũng không nói năm 1780 ông giữ chức vụ gì.
(4) Xem thêm: Thái Kim Đỉnh (cb): Làng Tràng Lưu in trong Làng cổ Hà Tĩnh, Chi hội Văn nghệ dân gian, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh, 1995, tr.33 - 38.
(5) Thái Kim Đỉnh: Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789) in trong Người xứ Nghệ, Sở Văn hóa Thông tin Nghệ An, 2007.
Hồ Sỹ Hùy
Dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu - dòng họ khoa bảng văn chương nổi tiếng ở Nghệ An xưa có các tên tuổi lừng lẫy như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ… Trong khi Nguyễn Huy Oánh và nhất là Nguyễn Huy Tự với Hoa Tiên, Nguyễn Huy Hổ với Mai Đình mộng ký đã được báo chí chuyên ngành, các bộ Từ điển Văn học, Lịch sử Văn học giới thiệu rộng rãi, thì Nguyễn Huy Quýnh dường như không mấy ai biết đến, có lẽ vì tác phẩm của ông hầu hết đã thất truyền.
1. Theo Nguyễn Thị gia tàng của Nguyễn Huy Vinh (1768 - 1816) - dòng họ Nguyễn Huy tàng bản, bản chữ Hán, có bản dịch đánh máy của cụ Lê Hữu Nhiệm, thì thân phụ Nguyễn Huy Quýnh là Nguyễn Huy Tựu (1690 - 1750), hiệu Túy Hà cư sĩ, Tú Lâm cư sĩ, đỗ Hương giải (Cử nhân), làm Tham chính Thái Nguyên, rồi Tả thị lang, được tặng hàm Thượng thư bộ Công, tước Khiết Nhã hầu. Ông có 7 người con: 5 trai, 1 gái, 1 con nuôi. Con cả là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789). Nguyễn Huy Quýnh là con trai thứ tư. Khi làm quan trong triều, ông đổi tên là Trị, hiệu Phùng Hiên và Duy Nham, biệt hiệu Dần Phong. Ông sinh ngày 19 tháng 2 Giáp Dần, niên hiệu Long Đức thứ 3 (1734). Năm 1756, ông đỗ Giải nguyên; năm sau thi Hội trúng Tam trường. Năm 1761 được bổ một chức quan nhỏ ở Nghệ An, sau thăng Tri huyện huyện Chân Phúc (nay là huyện Nghi Lộc), nhưng chưa thỏa chí bình sinh nên ông lại treo ấn từ quan, tiếp tục dùi mài kinh sử. Năm 1772 lại lều chõng trẩy Kinh thi Hội và lần này đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Sau khi đỗ đại khoa, ông được bổ làm Hộ khoa cấp sự trung, rồi Giám sát ngự sử xứ Sơn Nam. Năm 1774 giữ chức Kiêm lý lương hướng cho đạo quân triều đình đi đánh dẹp phía Nam; sau đó về triều làm Nhập nội thị giảng, Hàn lâm viện hiệu thảo. Năm 1778 giữ chức Đốc đồng xứ Sơn Nam, rồi được cử làm Tham hiệp nhung vụ đi đánh dẹp “giặc bể” (ngư dân ven biển nổi dậy chống triều đình). Lúc tham gia đánh dẹp, ông đã gửi điều trần về triều đình nói đến các tệ nạn mà không biết vì “giặc bể” mới có nó, hay vì nó mà “giặc bể” sinh ra? Đó là tệ nạn các hào mục địa phương “giả danh nghĩa đồn thủ” để “chiếm của công làm của riêng”, còn những người được ứng mộ “để đi đánh dẹp” thì “phần lớn ăn chơi đàng điếm, ngày thường không làm nên trò trống gì”. Ông đề nghị “xin nhất loạt đuổi về” tất cả bọn hào mục, còn đối với binh lính thì phải “khép vào kỷ luật thật nghiêm. Nếu không thể dùng được thì cho về cày ruộng, không nên chú trọng con số nhiều mà thả nổi cho chúng làm hại dân”. Từ Sơn Nam, ông được thăng Giám sát ngự sử đề hình, coi giúp việc cho Tam ty. Ở đây, ông lại dâng tiếp một tờ khải nói về tình hình xứ này, trong đó có một thứ giặc còn tệ hại hơn “giặc bể”; theo ông, triều đình phải “trừ khử hết tệ tham nhũng, bớt lao dịch, coi trọng đức tính giản dị, không được gây phiền nhiễu và đảm bảo sự ổn định cho dân tình”. Năm 1779 ông được phái đi làm Giám khảo trường thi Thanh Hoa. Năm 1781 được bổ làm Trực giảng ở Quốc tử giám. Nhân triều đình cầu lời nói thẳng, ông dâng sớ tâu 7 việc, trong đó lưu ý phải trừng trị bọn kiêu binh, soi xét đến tận nơi những người ở ẩn, phải biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các bậc sĩ phu… Học trò ở Quốc tử giám ca ngợi ông là “rương sách của Lai Thạch” (Nguyễn Thị gia tàng - Tài liệu đã nói ở trên).
Khoảng năm 1784, ông được thăng Hàn lâm viện đãi chế, Đốc thị đạo Thuận Quảng. Năm sau, ông mất tại nhiệm sở, được ban thụy Trung Ý, được tặng phong Hàn lâm thị giảng.
2. Cũng theo Nguyễn Thị gia tàng, tác phẩm của Nguyễn Huy Quýnh gồm có: Dần Phong thi sao (4 quyển), Dần Phong văn sao(3 quyển), Quảng Thuận đạo sử tập, Tây Hưng đạo sử tập. Hiện nay chỉ còn lại Quảng Thuận đạo sử tập và bài thơ Thác lời gái phường vải.
Quảng Thuận đạo sử tập là một cuốn địa chí viết về các đạo Thuận Hóa, Quảng Nam và ba phủ Bình Khang, Bình Thuận, Diên Khánh. Nếu so với bản đồ hiện đại, hai đạo và ba phủ này sẽ tương ứng với toàn bộ vùng đất từ Quảng Bình đến Quy Nhơn. Nếu chúng ta lần theo biên niên sử, chú ý rằng lãnh thổ nước ta đến năm 1069 đời vua Lý Thánh Tông mới mở rộng về phía Nam đến Bắc Quảng Trị; năm 1306 đời vua Trần Anh Tông mở đến hết đất Thừa Thiên - Huế; đến năm 1402 đời vua Hồ Hán Thương mở đến hết đất Quảng Ngãi; đến năm 1471 đời vua Lê Thánh Tông mở đến hết đất Quy Nhơn, thì sẽ thấy rõ hiểu biết của người đương thời về vùng đất mới này còn rất hạn chế. Có vậy mới thấy hết giá trị của tác phẩm. Trước Nguyễn Huy Quýnh, đã có Ô châu cận lục của Dương Văn An (1513 - ?) nhưng chỉ mới viết về núi sông, thành quách, phong thổ, nhân vật xứ Thuận Hóa; hơn nữa “vì văn tự chạm gọt nên mờ tối mất nghĩa” (Ngô Thì Sĩ - Lời bạt cuốn Phủ biên tạp lục). Tiếp đến là Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1726 - 1784) hoàn thành năm 1776, lúc ông giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ Thuận Hóa, viết về cả xứ Thuận và xứ Quảng(1). Ghi chép của Nguyễn Huy Quýnh không được tỉ mỉ và toàn diện như trong tác phẩm của nhà bác học Lê Quý Đôn, nhưng điều đáng quý là Quảng Thuận đạo sử tập còn có tấm bản đồ là sự minh họa bằng hình ảnh những ghi chép trong sách.
Theo các nhà nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang, Trương Chính thì Thác lời gái phường vải Nguyễn Huy Quýnhmượn lời người con gái phường vải Trường Lưu quê mình gửi Nguyễn Du, khi Nguyễn Du cũng mượn lời người con trai phường nón Tiên Điền quê ông để đáp lại trong bài Thác lời trai phường nón. Cả hai bài đều được sáng tác vào khoảng từ 1780 - 1783, trước lúc Nguyễn Du đỗ Tam trường thi Hương và tập tước quan võ của cha nuôi. Lúc này Nguyễn Huy Quýnh vào khoảng 47 - 50 tuổi và Nguyễn Du khoảng 16 - 19 tuổi(2). Theo tôi, thời gian sáng tác hai bài này chắc chỉ trong khoảng thời gian mấy tháng từ sau vụ án năm Canh Tý (1780) đến trước thời điểm Nguyễn Huy Quýnh được bổ làm Tư nghiệp Quốc tử giám (1781)(3).
Để hiểu được đặc sắc các tác phẩm Nôm này cần nắm vững bối cảnh của nó. Làng Trường Lưu quê hương Nguyễn Huy Quýnh là một trong ba làng của xã Lai Thạch, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, trấn Nghệ An, nay thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Từ thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, Trường Lưu nổi tiếng là đất văn vật ở xứ Nghệ. Ở đây theo Trường Lưu giai sự vịnh của Nguyễn Huy Cừ thì:
Cảnh vui người cũng chẳng phàm,
Tứ dân rả rích, chín chòm xôn xao.
Ruộng đất Trường Lưu nhiều và màu mỡ nên đời sống nông dân khá ổn định. Ngoài nghề nông, còn có nghề mộc và nhất là nghề bông vải. Đàn bà con gái chủ yếu ở nhà kéo sợi dệt vải. Do được thong thả hơn các vùng khác nên gái Trường Lưu nổi tiếng xinh đẹp(4). Có câu ca:
Muốn tắm mát thì ra giếng Đoài
Muốn lấy vợ đẹp, hỏi ngài (người) Trường Lưu.
Con gái Trường Lưu còn giỏi hát ví và làng Trường Lưu là một trong những trung tâm của ví phường vải, thu hút nhiều văn nhân tài tử xa gần.
Khi chưa xuất chính, Nguyễn Du thường lui tới Trường Lưu và từng qua lại với gái đẹp phường vải làng này như o Uy, o Sạ… Trong Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu thi hào đã mô tả rất sinh động sinh hoạt hát ví ở đây:
Quây ngoài sân thì trong làng chín mười ả, ả ví, ả hát, ả kéo sợi, ả đưa thoi, lại có ả bưng trầu tận miệng, mỹ nữ như hoa.
Léo trên giường thì quan họ năm bảy ông, ông nói, ông cười, ông ngâm thơ, ông đọc truyện, lại có ông đắp áo trùm đầu, cao bằng mãn tọa…
Vào thời gian từ năm Giáp Ngọ (1774) trở đi, trấn Nghệ An khá thịnh vượng. Tại làng Trường Lưu, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đã về trí sĩ từ năm 1777, sau đó không lâu có chiếu khởi phục, nhưng rồi ông lại nhanh chóng cáo quan về dạy học vào khoảng 1779 - 1780. Ông lập thư viện Phúc Giang, chứa tới hàng ngàn quyển sách. Học trò ông có tới 30 vị đỗ đại khoa, làm quan tại triều có hơn 50 vị(5). Trường Lưu thật nhộn nhịp, ở đây có chợ, có trường học, thư viện, việc tụ tập của các văn nhân tài tử càng thuận lợi.
Khung cảnh sinh hoạt văn hóa sống động đó đã tạo điều kiện cho hai bài thơ Nôm “thác lời” của hai danh sĩ ra đời. Ở đây, Nguyễn Huy Quýnh đã nói hộ cho người con gái phường vải làng mình, còn Nguyễn Du thì thay lời người con trai làng nón Tiên Điền quê ông đáp lại. Dĩ nhiên hai bài này cũng thể hiện tình cảm của hai thi sĩ qua việc “thác lời” vì họ cũng là người trong cuộc.
Bài thơ của Nguyễn Huy Quýnh có nhiều từ chỉ các dụng cụ dệt vải như “xa, quay, cưởi, thoi, bàn đạp, ác, trục, chẽ, giằng…” diễn đạt tình cảm nhớ trông qua công việc, trách móc Nguyễn Du ra về để thương, để nhớ cho bạn tình. Lời thơ lục bát thật tinh tế, nhuần nhị, thể hiện tình cảm của người con gái một cách sâu sắc, kín đáo:
Khi lên để rối cho nhau,
Khi về trút một gánh sầu về ngay.
Xua buồn từ nớ lại nay,
Nào ai mó đến xa quay xin thề.
Thẹn thùng đường cưởi đi về,
Chân dừng bàn đạp, tay e thoi chuyền…
Vì sợ phải buồn tủi thêm mà người con gái không dám bắt tay vào công việc của mình. Nàng ở vai thụ động nên chỉ biết than, biết trách và rối “bòng bong” trong nỗi nhớ nhung:
Chẽ chuyền giằng lại tháo ra,
Gần nhau cách quạng vành xa mấy hồi.
Liều bằng khổ một gò đôi,
Liều như bông đã bắn rồi bòng bong.
Nguyễn Du đã dùng những từ chỉ sản phẩm và nguyên liệu của nghề làm nón như “lịp, tơi, bó vọt, đống sườn, bẹ móc, nắm dang…” thay lời con trai làng nón để đáp lại:
Quê nhà nắng sớm mưa mai,
Đã buồn dở đến lịp tơi càng buồn.
Thờ ơ bó vọt đống sườn,
Đã nhàm bẹ móc lại hờn nắm dang...
Dù chỉ với 20 câu nhưng Thác lời gái phường vải của Nguyễn Huy Quýnh cùng với Thác lời trai phường nón dài 34 câu của Nguyễn Du là hai áng thơ lục bát xuất sắc, góp phần mở đường cho kiệt tác Đoạn trường tân thanh tức Truyện Kiều xuất hiện ít lâu sau đó. Nguyễn Huy Quýnh xứng đáng là nhà thơ tài năng, một vị quan thương dân, liêm khiết, trung thực, can đảm, tấm gương sáng cho các nhà Nho xứ Nghệ thuở xưa và cho các trí thức, quan chức Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay.
Chú thích:
(1) Xem: Lê Quý Đôn toàn tập, tập1, Phủ biên tạp lục, Nxb. Khoa học Xã hội, H.1977 và Hồ Sĩ Hùy: Lê Quý Đôn - người đi đầu trong việc mở rộng đối tượng sử học, Tạp chí Xưa và Nay số 287 (7/2007).
(2) Nguyễn Thạch Giang - Trương Chính biên khảo và chú giải, Nguyễn Du niên phổ và tác phẩm, Nxb. Văn hóa Thông tin, H.2001.
(3) Vụ án năm Canh Tý lập Cán thay Tông. Nguyễn Khản (bố hai người vợ Nguyễn Huy Tự - cháu ruột Nguyễn Huy Quýnh) bị giam, được miễn tội chết. Nguyễn Huy Quýnh chắc sợ bị liên lụy, cáo quan về làng. Nguyễn Thị gia tàng không nói gì về điều này, nhưng cũng không nói năm 1780 ông giữ chức vụ gì.
(4) Xem thêm: Thái Kim Đỉnh (cb): Làng Tràng Lưu in trong Làng cổ Hà Tĩnh, Chi hội Văn nghệ dân gian, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh, 1995, tr.33 - 38.
(5) Thái Kim Đỉnh: Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789) in trong Người xứ Nghệ, Sở Văn hóa Thông tin Nghệ An, 2007.
Hồ Sỹ Hùy