• Các thành viên chú ý, NHT trở lại vẫn giữ những thông tin cũ, bao gồm username và mật khẩu. Vì vậy mong mọi người sử dụng nick name(hoặc email) và mật khẩu cũ để đăng nhập nhé. Nếu quên mật khẩu hãy vào đây Hướng dẫn lấy lại mật khẩu. Nếu cần yêu cầu trợ giúp, xin liên hệ qua facebook: Le Tuan, Trân trọng!

Đông Ky Sốt

ManchesterUTD

Đang ở trên non
#1
Tuyển tập truyện ngắn và thơ của Đàm Huy Đông bạn thân anh :D

1. Ba mối tình đầu của tôi

Tôi bị Thần Tình điểm danh từ năm lên bốn tuổi, lúc đang học mẫu giáo nhỡ ở trường Mầm non. Ngày bé, tôi khá nhanh nhẹn, xinh xẻo và sạch sẽ, nói tóm lại là trông tôi có vẻ sáng bóng hơn lũ bạn, điều đó dễ hiểu thôi vì mẹ tôi là giáo viên mà lỵ. Tôi nhớ như in rằng, ngày ấy, tôi được cô giáo chọn làm tổ trưởng tổ Gà Con. Tổ trưởng nghĩa là oai lắm, được đứng đầu hàng, được khám tay các bạn xem có vệ sinh và được cầm cờ thi đua cho tổ. Mỗi lần chơi trò đoàn tàu hỏa lại được làm đầu tàu, tay xoay tròn như người ta cuộn dây, miệng kêu tu tu, xình xịch, oai đáo để.
Ngày ấy, trái tim non nớt của tôi như bị sặc nước trước nàng - Thủy ngố - tổ trưởng tổ Chim Non.
Nàng cũng đáp lại tình yêu của tôi. Hôm nào tan lớp về hai đứa cũng nắm tay nhau, lũn cũn và ríu rít trên con đường đất gồ ghề đầy ổ gà, ổ cẩu.
Bố tôi đi bộ đội xa tút lút, hết giải phóng miền Nam lại sang Campuchia. Thỉnh thoảng, có người cùng đơn vị với bố tôi ghé qua nhà lại cho gói kẹo. “Ngày xưa kẹo không dễ kiếm như bây giờ”, vì thế, mỗi lần có kẹo, tôi đều tìm cách giữ cho người yêu. Sợ bị mẹ phát hiện, tôi thường ngậm kẹo trong mồm rồi nhân lúc mẹ không chú ý, nhè ra, gói vào giấy, bỏ vào túi và mang đến lớp, rủ nàng vào một góc, hai đứa cùng mút chung chiếc kẹo. Tôi ngậm một lúc rồi lại tới phiên nàng, cứ thế đến bao giờ chẳng còn gì để mút nữa.
Một hôm, mẹ tôi đi vắng, tôi quyết định tự tay làm cho Thủy ngố một món kẹo đặc biệt. Tôi mở lọ đường thốt nốt, xúc một thìa lớn, cho vào một cái chén con, đổ thêm một ít muối và cho một chút mì chính [1] (bấy giờ mì chính hiếm lắm), cuối cùng xúc thêm một thìa mắm tôm, trộn đều tất cả lên và gói vào một tờ giấy. Tôi giấu kín món kẹo đặc biệt của mình và mong ngày mai đến lớp. Hôm sau, tôi vừa khoanh tay chào: “Cô ạ!”, vừa đảo mắt tìm nàng. Nhìn thấy tôi đến, nàng phập phồng cánh mũi, gạt những đứa bạn gái sang một bên và chạy đến tôi. Tôi dúi vào tay nàng một gói giấy ướt nhèo. Nàng mở ra :
- Kẹo gì thế?
- Kẹo đặc biệt đấy. Chúng mình liếm đi.
- Bạn liếm trước đi! - Nàng nhìn món kẹo của tôi bằng cái nhìn e ngại.
Tôi thè lưỡi. Kinh quá. Nhưng lại sợ nàng chê, tôi nói :
- Ngon cực. Thủy liếm đi!
Nàng cười, thè cái lưỡi đo đỏ, nho nhỏ, xinh xinh ra và quét một nhát khá là “đường cày đảm đang”. Ô kìa! Mắt nàng méo rẹo méo rọ, miệng nhổ phì phì. Nàng gào lên :
- Kinh quá! Tao không thèm chơi với mày nữa!
Khốn khổ chưa! Nàng lại còn xưng tao với tôi đấy. Chẳng bù cho mọi hôm chơi trò cô dâu chú rể, bố mẹ búp bê, nàng gọi tên tôi ngọt xớt. Tôi đứng ngẩn tò te, hết nhìn nàng lũn cũn chạy vào trong lớp lại nhìn món kẹo đặc biệt của mình.
Suốt ngày hôm ấy, nàng không thèm chơi với tôi. Nàng cặp kè với thằng Tuấn bệu. Cái thằng Tuấn bệu thì có ra cái gì cơ chứ, suốt ngày thò lò mũi xanh, có hôm còn đùn cả ra ghế, chẳng biết chơi trò gì cả. Chơi trò “chim bay cò bay”, cô giáo hô gì nó cũng bảo là bay. Gà bay, bò bay, nhà cửa nó cũng bảo là bay. Thế mà nàng lại chơi với nó mới cay chứ. Hễ tôi cứ lảng vảng đến gần là hai đứa chúng nó hát :
- Cạch từ nhà, cạch ra đến chợ, cạch con trâu, cạch con gà, cút thật xa là cút thật xa...
Tôi tức lắm, chỉ mặt thằng Tuấn bệu bảo :
- Mày cút đi. Thủy ngố là vợ tao chứ!
Thằng kia thấy tôi hung hăng thì dường như cũng hơi sợ, lùi lại, nhưng ai dè nàng vênh mặt, cong môi lên chua chát :
- Tao không thèm chơi với mày nữa. Hôm nay, tao với Tuấn là cô dâu chú rể.
Hừ, tôi xì vào mặt nàng :
- Cô dâu chú rể đội rế qua cầu.
Rồi quay ngoắt đi. Ấy là tôi đã ra cái điều khinh chúng nó, không thèm chấp chúng nó, thế mà tôi vừa quay đi được hai bước thì chúng nó hát :
- Quạ quạ quạ... Bố mày chết trên cầu Việt Trì. Đêm 30 đánh điện về nhà, cả nhà mày làm một đám ma...
Ơ, quân này láo! Tôi quay ngoắt lại :
- Tao đấm mày chết!
Ngờ đâu, thằng kia ra tay trước.
Tôi ngã vật xuống.
Lần ấy, tôi bị gãy răng và ngất xỉu. Sau này, tôi thấy bảo Thủy ngố đã khóc như mưa vì tưởng tôi “vong mạng”. A thế ra...
Nghỉ một tuần, tôi mới lại đến lớp, chẳng thấy Thủy ngố đâu. Lại phải mấy hôm sau, tôi mới dám hỏi mẹ. Mẹ tôi bảo nhà Thủy đã đi vào Lâm Đồng. Lâm Đồng? Trong trí óc tuổi thơ tôi, đó là một nơi nào đó tít tắp xa xôi. Lớn lên, tôi mới biết gia đình Thủy đi xây dựng vùng kinh tế mới. Mối tình ngậm kẹo của tôi thế là tan vỡ. Nó có cả dư vị ngọt ngào lẫn đắng cay, cả máu và nước mắt...
Suốt thời gian từ Mẫu giáo lớn đến năm lớp bốn, trái tim tôi ngủ yên. Nhưng năm lớp 5 thì “trái tim mùa đông” của tôi đã trở thành “trái tim biết khóc”. Tôi và Hà, một lớp trưởng, một lớp phó văn nghệ cùng được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của huyện. Chúng tôi phải về huyện tập trung ôn luyện một tháng liền. Cả lớp có mười đứa thì tám đứa kia đều loanh quanh ở thị trấn, chỉ có tôi và Hà ở xa, phải trọ học. Nhiều lúc nhớ nhà, Hà khóc hu hu, tôi - con trai - bản lĩnh có thừa, dỗ dành Hà và cầm khăn lau nước mắt cho hai đứa.
Tôi và Hà yêu nhau. Nhiều lúc tôi ước ao giá có thể biến Hà thành con búp bê để giấu vào tủ kính. Còn Hà yêu tôi như yêu con gấu bông của nàng. Tôi vẽ vào sổ của Hà cây dừa có bốn tàu lá lơ phơ cùng hai vòng tròn làm quả. Hà chép cho tôi bài thơ “Đám ma bác giun”. Khóa học kết thúc, tình yêu của chúng tôi càng đằm thắm hơn. Cái bím tóc đuôi gà của Hà bao lần ngọ nguậy trong những giấc mơ tôi. Lên lớp sáu, chúng tôi vẫn học cùng nhau.
Một lần tôi đến nhà Hà chơi. Nhà Hà khá khang trang với mảnh vườn nhỏ xinh xinh trước cửa. Cạnh bờ rào có cây cam Đường Canh sai trĩu quả. Tôi thèm ăn mà nàng đâu có hay! Ngồi bên nàng, cạnh bàn học mà lòng tôi mơ hoài về trái cam. Nước bọt tôi ứa ra. Nàng vẫn chăm chỉ làm bài ngữ pháp. Tôi vụt nghĩ ra một kế. Tôi chỉ tay ra cổng bảo :
- Ơ, có bà ăn xin ngoài cổng kìa!
Nàng bảo :
- Bịa, ngồi đây nhìn sao được.
- Có thật không nhìn được không?
- Thật!
- Chắc chứ?
- Chắc!
Chỉ chờ có thế, tôi đứng lên nói với nàng :
- Ừ, tớ đùa đấy. Thôi tớ về, chiều đi học.
Nàng gật đầu. Tôi nhẹ nhàng như một chú mèo đi ra cổng, cẩn thận ngoái đầu lại, rồi khẽ khàng vạch rào, chui nửa người qua, tay với một quả cam. Chợt :
- Gâu!
Tôi chưa kịp định thần thì đã nghe mông đau nhói. Con chó Vàng vạn lần đáng nguyền rủa nhà nàng đã ngoạm tôi không một chút nể nang. (Mà sao tôi lại quên không để ý nó nhỉ). Tôi sợ tái mặt, hét ầm lên. Vừa lúc ấy bố nàng về đến cổng. Bị bắt quả tang, lại bị chó cắn, thế là tình tan.
Năm tôi học lớp 9, tôi bắt đầu quậy phá. Là lớp trưởng, tôi đồng thời là kẻ cầm đầu của những phi vụ phá phách. Nhớ một lần nhà trường sửa lán để xe, vôi vữa ngổn ngang. Mà lán để xe thì ở ngay trước cửa nhà vệ sinh. Cũng phải nói thêm rằng tôi là một trong số ít những học sinh mang xe đạp đến trường, vì chúng tôi học ở trường xã, bọn nhà gần dĩ nhiên là không đi xe. Hôm ấy, ra lấy xe cùng hai thằng bạn, nhìn thấy cảnh vôi vữa tung tóe, tôi chợt nảy ra một ý nghĩ. Tôi lấy gạch non viết lên tường nhà vệ sinh một dòng to đùng: “Đang sửa lại nền. Cấm vào nhà vệ sinh”. Thế là bao nhiêu đứa tưởng thật. Nhất là bọn lớp sáu cứ đứng ngoài mà phun như vòi cứu hỏa.
Có một lần, vì sợ bị ghi vào sổ đầu bài, tôi đã nháy bọn chúng giấu tịt sổ đi. Lan - cô bé giữ sổ - tưởng mất, ngồi khóc ti tỉ. Tôi nhìn thấy em khóc, bỗng thấy thương vô hạn. Một tình cảm đặc biệt sóng sánh trào dâng. Tôi bắt đầu để ý đến em.
Tôi yêu Lan cháy trụi cả tâm hồn và tôi đinh ninh rằng tôi sinh ra là để cho em, à không, em sinh ra là để cho tôi. Rằng vì Lan, tôi có thể chết ngay lập tức. Tôi muốn quan tâm đến em, tôi muốn cho em chép bài, nhưng tôi không biết làm thế nào. Thế là tôi cố tỏ ra lạnh nhạt với em, thù oán em. Trong lớp có tên Long cũng thích em. Hắn luôn sán lại gần em, trêu chọc em, giấu dép của em. Đúng là trẻ ranh. Tôi cắn răng vào gán ghép Long - Lan. Người ta không ai biết rằng tôi cay cú tới mức nào. Ngày ấy, tôi hay phải băm bèo cho lợn và mỗi lần băm tôi lại nghĩ rằng tôi đang nện vào mặt tên tình địch. Gương mặt em cứ ám ảnh những giấc mơ của tôi. Cái gương mặt mà tôi vẫn bảo với bạn bè là kênh kênh, đáng ghét. Cái gương mặt mà tôi nhớ đến quắt tai mỗi lần em nghỉ học. Một buổi tối, sau khi đã viết tên em kín sáu trang giấy, tôi đã quyết định phải nói thẳng vào mặt em là: “Tôi thích em”. Và tôi đã viết một bài thơ, một bài thơ tình “vô thiên lủng”. Tôi viết như thế này:


Lan là bông hoa thơm ngát
Giữa cuộc đời khoe sắc tỏa hương
Tớ mong được hái về bên nớ
Cho lòng tớ thỏa những nhớ thương.


Ở trên, tôi vẽ một bông hoa và cẩn thận ghi chú là hoa hồng. Ở dưới, tôi vẽ một mũi tên xuyên qua hai trái tim và trích dẫn hai câu thơ bất hủ: “Bỏ tiền trong túi làm chi? Mua chai thuốc chuột phòng khi thất tình”. Ý tôi muốn thông báo rằng nếu nàng từ chối thì tôi sẽ... tự tử. Và thế rồi, hôm sau, tôi đã kẹp lá thư của tôi vào cuốn vở của nàng. Tôi đợi. Một, hai, ba, bốn ngày mà nàng vẫn lặng thinh. Đúng lúc tôi định gửi cho nàng thể loại văn xuôi thì thứ bảy...
Giờ sinh hoạt, cô chủ nhiệm sau khi nhận xét công việc của lớp đã thuyết giảng rất lâu rằng thì là còn bé chưa được nghĩ đến chuyện yêu đương nhăng nhít. Cô nói chung chung như thế mà tôi có cảm giác cô chỉ nói cho một mình tôi nghe. Cuối cùng cô hạ giọng để kết thúc vấn đề :
- Tôi biết lớp ta có một vài anh đã yêu, lại còn làm thơ gửi bạn Lan, làm ảnh hưởng đến học tập của bạn. Rất may, Lan đã thấy những thứ ấy thật nhố nhăng nên đã đem nộp cho tôi và xin tôi không kỷ luật người viết. Có đúng thế không Lan...
Lan đứng lên :
- Thưa cô, em cũng thấy là nhố nhăng...
Mọi con mắt đổ dồn vào Long. Tội nghiệp cho thằng bé...
Còn tôi, những gì tôi mộng tưởng về Lan ầm ầm đổ vỡ. Một tấm lòng mà đáng gọi là nhố nhăng sao? Tôi thấy ân hận, ân hận vô cùng. Thế là xong một tình yêu!
“Tháng năm - những dấu chân người cũng bụi mờ”. Có phải ai cũng có một thời khờ khạo, những tình yêu chưa phải tình yêu, những buồn vui ấu thơ một thuở, để xa rồi còn mãi nhớ dấu yêu?
 

ManchesterUTD

Đang ở trên non
#2
2. Có thể là em quên

Có thể là em không nhớ. Em quên
Chiếc áo cũ lâu ngày không mặc nữa
Chiếc áo có những nét chữ bạn bè yêu quý
Có nồng nàn sắc phượng trên vai.

Có thể là em không nhớ. Em quên
Những nhành hoa tim tím mùa yêu cũ
Dọc bờ sông là hai hành lang cỏ
Cánh chim dỗi mùa trốn học rong chơi.

Có thể là em không nhớ. Em quên
Thuở những lẻ loi tìm nhau cất cánh
Thuở những hẹn hò ủ bao chồi lộc
Cho vườn xưa thơm ngát nụ thơ đầu

Có thể em quên màu hoa đỏ trong tim
Khi câu thơ xưa không còn là nắng lửa
Khi kỉ niệm ngủ ngon lành không quẫy cựa
Trong chiếc kén vàng năm tháng se lên.

Có thể là em không nhớ. Em quên...
 

ManchesterUTD

Đang ở trên non
#3
3. Đông Ki-sốt

Tự nhiên, con chiến mã lại giở chứng, thế là mất toi 15 phút, dù nó đã phi nước đại đến trường.
Hai tên cờ đỏ tươi cười chờ nó ở cổng.
“Đồ mắc dịch” - Nó rủa thầm. Vâng, thì thẻ đây, ghi tên vào. Ghi rõ vào nhé! Sung sướng lắm phải không?
Quẳng con chiến mã vào nhà xe, nó nhảy ba bậc cầu thang một. Thầy dạy sử lớp nó rất “ghê gớm”. Một hai ba, nào, nó đã đứng trước cửa lớp. Ôi, Chúa ơi! Không phải bố già. Một cô giáo trẻ mới về trường. Chắc là dạy thay.
- Xin cô cho em vào lớp.
- Sao bây giờ mới đến?
- Dạ, em gặp tai nạn giao thông...
- Nói cho nghiêm túc. Em có làm sao đâu?
- Dạ, không, em chỉ nhìn thấy thôi.
Cả lớp cười ồ. Cô giáo nhíu mày nhưng vẫn cho nó vào. Nó ngồi xuống ghế. Diễm quay sang lườm “Hiệp sĩ xứ Man-tra” :
- Ông làm mất hết điểm thi đua của tổ.
- Khổ quá! Gặp tai nạn thật mà.
- Ở đâu? - Hà kều không nhịn được, bỏ dở quả ổi với những vết cắn nham nhở hỏi với lên.
- Chỗ đầu chợ ấy, hai cái xác nát bét.
- Kinh quá. Ô tô đâm à?
- Chắc thế, chắc là đi qua đường bị ô tô cán chết - Nói rồi nó quay lên.
- Đã có ai đến nhận chưa? - Hà chọc cây thước kẻ vào lưng nó và hỏi.
- Làm gì có ai!
- Công an lập biên bản rồi à?
- Chẳng biết!
- Thế ông không đỗ lại xem à?
- Chỉ thấy hai xác chết nằm sóng soài.
Cô giáo nhìn xuống. Nó quay lên. Được một lúc Hà lại lấy thước chọc vào lưng nó :
- Này...
- Gì thế? - Nó làm bộ cau có.
- Hỏi một câu nữa thôi. Con trai hay con gái?
- Ai mà biết được.
- Sao lại không, không nhận được dạng cơ à?
- Thì tôi nói là hai... con chuột bị ô tô kẹt chết mà. Làm sao biết được chuột đàn ông hay chuột đàn bà?
Diễm bụm miệng cười.
Hà quật một thước vào lưng nó :
- Đúng là Đông Ki-sốt, làm người ta cứ tưởng...
- Tưởng gì. Tưởng... Giới Thạch ấy à?
Nó nhe rằng cười và lục lọi tìm vở.
- Quên mất rồi, chán thật.
Cô giáo đang giảng về một cuộc nổi dậy nào đó, từ thời xửa thời xưa. Ai sống ở thời ấy mà biết đúng hay sai? Có bằng chuyện cái xe tăng húc vào cổng dinh Độc Lập không? Có bằng “Một chuyện có thật” của An-đéc-xen không? Tam sao thất bản. Mà tại sao cứ phải học... lịch sử nhỉ? Không còn chuyện gì để nói mà phải bới móc quá khứ lên? Cuộc sống thì đang thay đổi ào ào. Thật là phí thời gian trong khi ngoài kia người ta đang băm bổ lao về phía trước!
Mệt mỏi với những ý nghĩ quái đản của mình, nó lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Ngoài đường vọng lên tiếng loa rao bán thuốc tẩy Hoàng Tiến. Cũng chẳng có gì thú vị hơn. Nó lại nhìn lên bảng, cô giáo đang viết một cái gì đó. Gục xuống bàn nó giả tiếng mèo, “meo” một tiếng rất to.
Lớp học ồn ào.
Cô quay xuống hỏi :
- Cái gì thế?
Im lặng. Nó nhìn cô bằng đôi mắt trong sáng ngây thơ đến không thể tả.
Cô quay lên.
Nó lập tức meo meo hai tiếng nữa hệt như mèo con gọi mẹ.
- Ai mang mèo vào lớp, đứng lên!
Cả lớp cười như chợ vỡ.
Vừa kịp trống hết giờ.
Vân béo và Hà kều chụm đầu vào tờ Người Đẹp. Nó đi qua lật bìa ra :
- Ái chà Người Đẹp cơ đấy!
- Thì sao? - Bốn mắt sư tử nhìn nó chằm chằm.
- Không sao! Nhưng mà tờ Người Béo chưa ra số nào à Vân?
- Đồ hiệp sĩ đánh cối xay gió! Có biến đi không!
Nó đi ra cửa, quay lại nheo nheo mắt và hát: Đừng nghe những gì Vân béo nói! Hãy nhìn vào đôi guốc Vân đi, ta sẽ hiểu rằng Vân giống viên bi, ta sẽ hiểu rằng Vân ngắn tí ti...
Vân gầm lên :
- Đứng lại, Đông Ki-sốt!
Giờ Giáo dục công dân khô không khốc rồi cũng qua. Ra chơi giữa giờ là khoảng thời gian nó mong đợi nhất.
Lượn xuống căng-tin làm một cái kẹo cao su rồi nó đi lên, nện gót giày trịnh trọng như một VIP thực sự. Vừa nổ kẹo cao su bôm bốp, nó vừa đảo mắt nhìn quanh. Bọn cái Thảo, cái Nga đang xúm xít bói bài. Nó lặng lẽ tiến đến. Thấy nó, Nga bảo :
- Đông Ki-sốt, xem bói không?
Nó ngồi xuống :
- Bói hả? Ừ, xem cho một quẻ.
- Muốn bói gia trạch, hung cát hay nhân duyên thì nói để chị xem cho nào! - Thảo vỗ vỗ vào bộ bài.
- Tình yêu.
- Ôi, em còn bé thế này mà đã muốn lấy vợ à? Kia, nàng Đun-xi-ne của em đang ngồi một mình kia kìa.
- Vớ vẩn! - Nó chọn ra bốn cây Q. - Có xem không thì bảo?
- Em đặt tên đi rồi chị xem cho - Thảo vẫn gọi em xưng chị ngọt xớt.
Nó phớt lờ :
- Xong rồi. Cả bốn cô.
- Xong.
Thảo thoăn thoắt tráo tráo, lật lật rồi làm bộ nghiêm trang :
- Thành tâm vào, bắt đầu nghĩ đến cô ấy đi. Cô bé này hình thức khá, thông minh, nhưng có nhiều chàng bám lắm, em không đủ sức đâu. Cô bé này thì cũng được nhưng hơi đanh đá đúng không?
- Đúng, đúng, nó hay... cào lắm.
- Còn cô này có vẻ hơi bị lắm lời. Cô này thì có vẻ yêu em đấy nhưng mà xấu lắm, béo như voi ma mút.
- Đúng, đúng.
- Chị đã phán, sai làm sao được? Nào, bây giờ thì mau mau khai tên các em ra.
Nó cố nhịn cười.
Nga túm lấy tóc nó :
- Khai mau!
- Rồi, khai. Ái, bỏ tay ra!
- Có thế chứ. Nói đi!
- Cây này là Milu - chú chó cảnh nhà tớ, còn cây này là tên con mèo Ba Bớp - nó rất hay cào. Đây là Thảo. Còn cuối cùng, béo như voi ma mút là Nga.
- Cái gì? - Nga gào lên.
Nó chạy biến ra cửa, quay lại thè lưỡi lêu lêu.
- Quỳnh đâu! Mày dạy thằng Đông Ki-sốt nhà mày thế đấy à?
Quỳnh rời mắt ra khỏi tờ báo, ngẩng lên, rồi lại cúi xuống chăm chú đọc.
Nó bị đình chỉ học ba ngày và bị phụ huynh mắng cho một trận nên thân. Nó có ba ngày ở nhà để hối hận về những việc dại dột nó đã làm. Sáng nay, trước khi đi làm, mẹ nó bảo: “Con lớn rồi, đừng làm khổ bố mẹ nữa. Ngồi đấy mà suy nghĩ về những việc con đã làm”. Thì suy nghĩ, nhưng càng nghĩ nó càng thấy sự việc chẳng có gì nghiêm trọng. Mà sao mọi người cứ thích thổi phồng nó lên nhỉ. Đời chán thật! Có quái gì đâu, chỉ tại cô Sâm dạy Văn lớp nó cứ hay cho đề bài viết giống hệt nhau ở cả ba lớp mà cô dạy. Mà nó thì luôn chẳng biết viết gì trong chín mươi phút kiểm tra văn. “Thời thế tạo anh hùng, anh hùng phải biết chọc nước, khuấy bùn để tạo ra thời thế”. Nó học mánh của thằng Tuấn lớp C, xem trước đề ở lớp B, làm sẵn ở nhà. Trót lọt hai lần. Đến lần thứ ba, nó lặp lại kịch bản ấy khi cô Sâm ra bài viết về “Tống biệt hành”. Hôm ấy, giờ kiểm tra, nó ngồi rất nghiêm và chăm chú viết lăng nhăng. Nó đã viết những gì nhỉ? À, đầu tiên là “Đưa người ta không đưa qua sông, sao nghe tiếng sóng ở trong lòng”. Nó đã viết: “Vì ngài ăn nhiều thịt mỡ lại uống nước lã chứ sao?”. Rồi đến đoạn: “Một giã gia đình một dửng dưng”, nó bình: “Không biết tác giả giã gia đình bằng cái gì, sao ông ta không dùng... máy xay cho tiện. Ôi! Chắc là bị giã đau lắm nên các chị của ông ta mới khóc nhiều đến thế”. Viết đến đấy, nó nhìn sang, Diễm đã viết gần kín hai trang, nó đọc thấy cái gì mà... “gợi không khí của một ngày gió lạnh, thái tử Đan tiễn Kinh Kha qua sông sang đất Dịch”. Đúng là chắp vá, vay mượn. Kinh Kha với chả Kinh kheo. Nó cảm thấy cô giáo đang nhìn nó, vì thế nó quay về hí hửng viết liên tiếp một hồi: Thâm Tâm... Thâm Tâm... Rồi chẳng hiểu sao, nó lại liên hệ đến tên... cô giáo. Tâm và Sâm chung nhau cái vần âm. Nó lại nhớ rằng, hôm qua, nó thấy trong quyển Đàm Thiên Thuyết Địa Luận Nhân có một câu là: “Để cho con một đống tiền không bằng dạy cho con một nghề, dạy cho con một nghề không bằng đặt cho con một cái tên đẹp”. Cô tên là Sâm thì quý và... bổ lắm, nhưng mà cũng còn tùy loại, nào là sâm Cao Ly, sâm Quy tinh, sâm Đại hành...
Ô, sâm Đại hành và... “Tống biệt hành”. Nghĩ thế nào làm thế ấy. Nó hí hoáy vẽ một... củ sâm to uỵch vào phần còn lại của tờ giấy, rồi ghi thêm một dòng nữa ở dưới: “Sâm nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Mau lên kẻo hết”. Nó gật gù, rồi lại thấy câu ấy có vẻ cũ kỹ thế nào. Nó bèn viết một câu khác: “Bạn đang sống trong một thế giới cạnh tranh, bạn đang sống trong một môi trường sôi động. Hãy ăn sâm để tự tin, hãy ăn sâm để thành đạt. Dù bất cứ nơi đâu, đừng chần chừ, đừng chần chừ... Sâm đại bổ, sâm đại bổ...”.
Thế rồi, mọi việc đã không như nó mong đợi. Nó hoàn toàn không biết rằng thằng Tuấn hôm qua đã bị bể mánh và hai con 7 bên cạnh đội quân điểm 4 thường trực đã đưa nó vào diện bị... tình nghi. Không, nó không có ý nói cô giáo, nó chỉ nói củ sâm thôi. Chẳng ai chịu nghe nó cả.
Giờ sinh hoạt sau đó, nó bị phê bình. Người lên án nó nhiều nhất chính là Quỳnh - bí thư chi đoàn. Chắc Quỳnh ghét nó bởi vì bọn chúng gọi Quỳnh là Đun-xi-nê, tình nương của Đông Ki-sốt. Thật ra thì nó ít khi nói chuyện với Quỳnh. Trong mắt nó Quỳnh là đứa con gái lạnh lùng nghiêm nghị, học giỏi nhưng nó thấy khó gần. Thật là một dịp may hiếm có để Quỳnh trút giận.
Chiều, nắng trải một màu vàng mênh mang, tít tắp. Nó đạp xe ra đường đi lang thang. Cứ ngồi ở nhà mà suy nghĩ thì ươn người ra mất. Thật khó chịu, cái gì cũng quy tắc với quy định. Tại sao không thể sống thoải mái hơn.
- Đông đi đâu đấy?
Nó quay sang. Quỳnh đạp xe bên cạnh nó từ bao giờ.
- Ừ. Quỳnh đi chợ à?
- Ừ.
Nó im lặng.
- Đông giận Quỳnh lắm phải không?
- Chẳng có gì.
Đi một đoạn nữa thì Quỳnh rẽ.
- Về nhé.
- Ừ.
Chỉ có ba từ cho cái sự chia tay.
Nó đạp xe thêm một vòng nữa rồi bỗng nhiên lại vòng lại, mắt nhìn theo bóng Quỳnh cứ xa dần.
Ngày mai, nó lại được đến trường với những trận cười.
Liệu có bao giờ nó thấy tiếc vì những tháng ngày tào lao, hời hợt ấy không?

------

Anh chờ các bạn cho nhận xét rồi anh copy-paste tiếp.
 

ManchesterUTD

Đang ở trên non
#4
4. Kẻ si tình ngớ ngẩn



Nó chẳng thể nào nhớ được mình đã yêu bao nhiêu người: một, hai, ba hay năm, bảy. Nói vậy cho oai thôi, bởi thực ra nó chưa biết tình yêu mùi vị ra sao nữa. Là chết một tí tẹo, là sự rung cảm của hai quả tim đang đập huỳnh huỵch, là mật ngọt hay quả đắng? Ôi chao! Lý thuyết tình yêu nhiều vô tội vạ, nhan nhản như cỏ dại mà đọc vào thì cứ như là con kiến leo cành đa...


Nàng đẹp thật. Bọn con trai quay quanh nàng như những electron quay quanh hạt nhân. Nàng là “trung tâm của vũ trụ”, là “tiêu điểm của trường”, là “niềm tự hào của lớp 12A1”.
Phải tội, nàng là lớp trưởng.


Thầy giáo dạy Văn vốn dĩ là người vui tính, hôm nay - một ngày đẹp trời - có nắng vàng và gió thổi thế này, thơ của cụ Nguyễn Du thì tài tử thế kia...
- Tôi cho rằng tay Kim Trọng là một tay hèn hoặc ít nhất anh ta cũng chẳng có yêu cô Kiều mấy mẩu.
- Sao lại thế, thầy?
- Yêu cái gì mà dễ dàng chấp nhận chuyện thế chỗ như vậy? Vớ được cô Thúy Vân rồi thì chẳng buồn ỏ ê gì đến cô chị nữa.
- Nếu thầy là Kim Trọng thì sao ạ?
- Hơ hơ... - Thầy cười sảng khoái - Thế thì đời Kiều đã khác, tôi sẽ chối từ tất cả để đi tìm bằng được nàng Kiều.
- Hì hì, ha ha... - Lũ quỷ sứ vỗ tay ầm ầm - Thầy muôn năm!
- Thôi thôi... - Thầy xua tay - Trật tự, tôi nói vậy chỉ để khẳng định rằng, nếu có cuộc bình chọn Top ten những tình yêu lớn trong văn chương thì chắc chắn Kim - Kiều bị loại.
- Chí, Nở được không ạ?
- Chí, Nở à? Khả dĩ đấy chứ.
- Chắc Romeo và Juliet chiếm ngôi quán quân?
- Không!
- Sao thế ạ?
- Romeo - Juliet cũng bị loại vì cô cậu này yêu sớm quá.
- Lại thiếu hiểu biết nữa! - Nó nói leo.
- Ôi! Ha ha...
- Mời em, mời em.
- Vâng thưa thầy, em cho rằng Romeo không có kiến thức y khoa sơ đẳng đến nỗi không biết được người sống với người chết.
- Nếu em là Romeo?
- Em sẽ vạch mắt xem đồng tử, kiểm tra xem nạn nhân còn thở, tim còn đập không.
- Rồi sao nữa?
- Hô hấp nhân tạo! - Đứa nào đó hét toáng lên.
- Hoan hô, Huy “cận” muôn năm! Lớp trưởng hơi bị “tinh mắt” đấy.


Nó với nàng học cùng lớp, ngồi cùng bàn với nhau đã hai năm (đúng ra là hơn hai năm học). Lưu Thanh Châu là tên nàng, mười một năm học sinh giỏi, từng ấy năm đạo đức tốt và bấy nhiêu năm làm “sếp trưởng”. Chao ôi là xủng xoẻng, nghe mà phát sốt. Chẳng bù cho nó Toán, Lý, Hóa chẳng kém, chỉ có Văn với ngoại ngữ thì quá tệ. Chỉ có một lần duy nhất từ trước đến nay nó được khen là “văn hay chữ tốt”. Lần ấy, thầy đọc kỹ lắm, rồi bảo: “Ôi văn hay chữ tốt thế này mà suốt ngày đi viết kiểm điểm thì có phí không?”. Lần ấy nó có bị hạ một bậc đạo đức nhưng mà lòng vẫn âm ỉ tự hào.
Mẹ nó trách “gần đèn thì rạng” sao mà chẳng “rạng” chút nào? Nó âm thầm nghĩ: “Mẹ ơi không rạng thì chắc cũng là mực cả thôi, với lại thời nay gần mực thì... bia, gần bàn đèn là... thằng nghiện, chứ đâu có phải...”.


- Anh Huy nói dối. Hôm trước em bảo trẻ con mới sinh đều khóc chào đời thì anh nói có đứa mới sinh không khóc mà chỉ kêu nghé ọ, lại còn có cả sừng nữa.
- Chứ sao! Con bé ấy là lớp trưởng lớp tao. Nó là “trâu” mà lị, mà nói nhỏ thôi, nó nghe thấy nó húc chết!
- Nhưng em hỏi rồi. Anh nói dối.
- Mày hỏi ai?
- Em hỏi thằng Tuấn là cháu của chị Châu.
- Hừ thằng ấy biết qué gì.
- Nhưng mà Tuấn hỏi chị Châu rồi. Chị ấy bảo là anh Huy nói dối.
Nó giật bắn mình.
- Anh nói dối.


Hôm sau đến lớp, gặp nàng ở gần cầu thang, tự dưng nó có một cảm giác ngại ngần. Nàng đi trước nó hai bậc, tóc dài, mềm và mượt. Cái ba lô nhỏ đính một cái đề can hình con gấu đáng yêu nhất trường - Nó tin là như thế. Trong giờ học thỉnh thoảng nó liếc sang chỗ nàng, có lần nàng tủm tỉm cười: “Có phải nàng cười nhạo mình không nhỉ?”.
Đột nhiên, Lâm còi ghé tai nó thì thào :
- Này sếp có bồ rồi đấy.
- Thế à? Tao tưởng có từ lâu rồi chứ? - Nó nhả chữ lạnh lùng dù lòng như vừa chạm vào lửa bỏng.
- Mới.
- Thằng nào thế?
- Thằng Viện ở 12A4.
- Có phải cái thằng đẹp trai, trăng trắng, lúc nào cũng chải chuốt không?
- Đúng, chính nó đấy. Lớp phó 12A4, chúng đồn: thằng ấy làm cả tập thơ tặng sếp mình.
- Sao mày biết?
- Úi giời! Mày buồn à?
- Không, làm sao có chuyện ấy được.
- Tưởng mày đau khổ?
- Không.
- Không thì thôi, quan tâm làm gì, biết thì nói chơi.
Đang giờ Vật lý.
- Độ lệch pha là gì, Huy?
- Dạ, thưa cô...
- Anh để ý đi đâu vậy?


Sao nó lại như mất hồn thế nhỉ. Mọi thứ nhão nhoẹt xám xịt. Nó nằm vật trên giường nghe Khánh Ly. Buồn!
Sao Châu lại yêu Viện nhỉ?
Con trai gì mà suốt ngày gương lược, chải chuốt, đỏm dáng đến phát tởm. Học hành thì lẹt bẹt. Châu mà yêu Viện thì Châu sẽ khổ.
Ô hô! Đôi khi con người ta lại giàu lòng nhân ái đến không ngờ! “Lo cho người ta sẽ khổ”, ở đời dễ được mấy “tấm lòng vàng son” đến thế.
... “Nơi em về ngày vui không em, nơi em về trời xanh không em”. Nơi em về rồi em sẽ khổ đấy em!


Giờ sinh hoạt cuối tháng. Các tổ bình bầu đạo đức. Châu phê bình nó: “Sao nhãng học tập, thiếu tập trung, liên tục bị nhắc nhở”. Châu nói xong, nó bảo :
- Đúng rồi. Tôi tự nhận loại trung bình nếu chưa được thì xếp tôi loại yếu.
Châu phản ứng :
- Tôi nói vậy là để Huy rút kinh nghiệm.
- Thì tôi có nói gì đâu. Trung bình là bình thường mà, tôi chỉ muốn là một người bình thường.
- Mọi người thấy thế nào? - Tổ trưởng hỏi.
- Tôi nghĩ nên châm chước trường hợp của Huy. Tháng này là tháng tổng kết thi đua... - Châu nói.
- Tôi không cần ai thương hại cả. Thi đua với chả danh hiệu, toàn là thứ hão huyền, vớ vẩn. Nếu không có đợt thi đua với danh hiệu thì không cần làm gì à? - Chẳng biết nó sẽ nói đến bao giờ nếu Nam không huých vào người nó.
Nó nhìn thấy Châu rơm rớm nước mắt.
Cuối buổi, cô chủ nhiệm bảo nó ở lại.
- Nhà em có chuyện gì không?
- Dạ không.
- Em không ốm đau gì chứ?
- Dạ không ạ.
- Thế sao cô nghe phản ánh em học hành thiếu tập trung lắm. Cô cũng cảm thấy hình như em có vấn đề. Hay là em với Châu có xích mích?
- Dạ, không, không.
- Hai đứa chúng mày phải giúp đỡ nhau, sắp thi đội tuyển đến nơi rồi.
- Dạ.
Cô cười đầy ẩn ý :
- Ừ, thôi về đi.
- Thưa cô. Hay là cô chuyển chỗ cho em?
- Làm sao? Ừ, thôi được rồi, cứ về đi rồi cô sẽ nghiên cứu.


Thứ hai, giờ Toán của cô chủ nhiệm, nó chuyển chỗ. Nó cố cười, nhưng mà lòng đắng nghét. Giờ ra chơi, Lâm còi nhăn nhở bảo :
- Chúc mừng người anh em đã trở về với chính nghĩa huynh đệ. Thế nào, sổ lồng rồi, khao chứ?
Suốt giờ Sinh, thỉnh thoảng nó lại liếc mắt về bàn cũ. Lợi - kẻ thế chỗ của nó - lúc thì đưa cho Châu cây thước, lúc thì chỉ vào vở hỏi điều gì đó ra chiều thân mật lắm. Thế đấy, thế mà ngày trước nó ngồi cạnh, mặt Châu lúc nào cũng lạnh tanh. Suốt hai năm, hai tháng, một tuần chẳng nói với nhau quá mười câu. Mà mười câu ấy thì đến sáu câu là từ quãng đầu năm học lớp 10. Nhưng mà Châu là cái quái gì cơ chứ. Nói chuyện thì nói, không nói thì thôi, nghĩ làm gì cho mệt. Tình yêu là cái cóc khô gì. Không có người yêu không phải vì không có ai yêu ta mà bởi vì ta cóc thèm yêu đứa nào. Mà Châu thì cũng chẳng xinh mấy, cho dù có xinh thì cũng chưa bằng Lee Young Ae...


Trời chuẩn bị mưa, mây xám xịt và gió lạnh. Nó ngước nhìn trời: “Sắp mưa mất rồi, hôm nay họp các lớp trưởng ở trường, chẳng biết có mang áo mưa không? Nhà thì xa, người thì gầy gầy, yêu yếu dầm mưa mà ốm thì khổ”. Nó lẩn thẩn nghĩ, đi vào rồi lại đi ra. Nó đã định lấy áo mưa mang đến cho người ta, rồi lại thấy ngại. Lỡ đâu... “Thôi tốt nhất là trời đừng có mưa”. Mà Châu nghĩ về nó như thế nào nhỉ? Giá như nó đọc được ý nghĩ của Châu. Đã bao lần nó tự nhắc nhở là không nghĩ về Châu nữa, thế rồi vẫn nghĩ, vẫn tơ tưởng đến người ta. Còn người ta thì...
Lời người viết :
Ngày còn bé tôi đã đọc đi đọc lại chuyện Alibaba, cũng từng ước ao một lần nào đó khi niệm câu chú “Vừng ơi, mở ra!” thì phiến đá có vẻ vô cảm và lạnh lẽo kia sẽ mở ra kho báu... Có thể các bạn cũng đã từng mơ ước như tôi, nhưng đôi khi ta đã quên điều vô cùng quan trọng: Alibaba là chàng trai có trái tim dũng cảm. Sẽ chẳng có cánh cửa nào mở ra cho những người không dám thừa nhận chính mình.
 
#5
Đọc tiêu đề cứ ngỡ Đông Ki Sốt thật, cơ mà hok phải. Kết cách dẫn chuyện và những ngôn từ gai góc thú vị.
 

ManchesterUTD

Đang ở trên non
#6
Gã Khùng


7 giờ 15. Nó lại đi học muộn mất rồi, quỷ thật. Ông bảo vệ cười cười nhìn cái mặt nhăn nhăn của nó khi nó dựng con ngựa sắt đen trùi trũi vào nhà xe.
- Đến muộn lại được lấy xe sớm cậu nhỉ?
- Vâng! - Nó đáp.
- Đông 12A phải không?
- Sao?
- Tuần này cậu đi học muộn ba lần rồi.
- Mặc cháu.
- Thì mặc, nhưng đeo thẻ học sinh vào! - Con bé lớp 12H xinh như búp bê ghi tên nó vào sổ theo dõi và bảo.
“Xinh như thế mà đi làm cờ đỏ, đúng là bông hoa nhài cắm bãi... ” - Nó lầm bầm, bật cười rồi bước lên cầu thang.
Con bé xinh thế mà đi làm cờ đỏ! Nó còn đang mải mê với ý nghĩ ấy thì đã đến cửa lớp từ lúc nào. Vừa qua phần kiểm tra bài cũ. Thầy Toàn dạy Địa lý mà bọn học trò quỷ sứ vẫn gọi là thầy Toàn à - vì khi nói thầy độn rất nhiều chữ à, ví dụ như: Khí hậu nước ta (à) là khí hậu (à) nhiệt đới (à)... - đang ghi đầu bài mới lên bảng.
- Thưa thầy, xin thầy cho em vào lớp ạ.
Thầy Toàn dừng tay lại, gỡ kính ra:
- Ồ, vâng, xin mời (à) đồng chí vào (à).
Nó hơi giật mình, đã thấy thầy nói với cả lớp:
- Giới thiệu với các em (à), đến dự giờ học của chúng ta hôm nay (à) có Mít tơ Đông - cán bộ thanh tra của cục phân... về.
Rồi thầy quay ra:
- Mít tơ vào đi! Gớm, chúng tôi chờ mãi.
Cả lớp cười nghiêng ngả. Nó cũng nhăn nhở cười lấy được.
Giờ ra chơi, Hùng gọi nó hỏi:
- Viết bản kiểm điểm cho em chưa?
- Rồi đây, về chép lại đi! - Nó đưa cho Hùng bản kiểm điểm rồi túm cái bím tóc đang lúc lắc của Diễm giật mạnh.
- Cái kiểu gì thế! - Diễm hét.
- Kiểu Úc đấy! - Nó tỉnh khô - Liệu mà bảo nhau nhé. Yêu đương gì mà để thằng Hùng suốt ngày viết kiểm điểm.
- Đừng có nhố nhăng.
- Không nhố nhăng thì thôi. À mà tối qua ở xóm tao có một con bé tự tử vì tình đấy, biết chưa?
- Tên là Thoa phải không anh? Uống thuốc trừ sâu à? - Hùng góp lời.
- Sao cơ, tự tử vì tình à? - Thảo ngẩng mặt lên hỏi.
- Ừ, yêu nhau nhưng gia đình cấm.
- Thế cô bé ấy làm nghề gì?
- Chuyên khoa tim.
- Bác sĩ à? Thế còn tay người yêu?
- Chuyên gia giải phẫu.
- Đẹp đôi quá còn gì. Làm ở bệnh viện nào?
- Làm tư ấy mà.
- Mở phòng khám à.
- Không, một đứa chuyên mổ lợn, một đứa bán tim, gan, lòng lợn ngoài chợ.
Hùng cười khùng khục:
- Đúng là cái đồ không còn lòng thương, thấy người ta chết mà còn đùa.
- Việc gì mà phải thương cái loại ấy. Ngu thì chết chứ bệnh tật gì. Tự tử vì tình, đẹp mặt nhỉ! Chết vì tình là cái chết bất thình lình. Ha ha... Tình yêu là cái loại thuốc… chuột gì thế không biết? - Nó nói một thôi dài.
- Sĩ diện! - Thảo nguýt - Chẳng chết mê chết mệt vì yêu lại còn... vi tính.
- Đừng có mơ, Đông đây chưa từng để cho một con vịt giời lai sư tử nào vương vấn đến lòng, biết chưa. Rõ ngứa mắt, lúc nào cũng tô tô vẽ vẽ, sao không làm cái chổi cùn với một xô vôi cho nhanh, mà muốn sang thì làm hộp sơn Nippon vừa đẹp, vừa bền.
- Úi giời, lại sắp sốt rồi đây. Thế nào, hôm qua hạ được mấy cái cối xay gió! - Diễm khích.
- Bây giờ làm gì có cối xay gió. Phải hỏi hôm qua, đánh nhau với cái quạt con cóc ở đâu - Hà kều góp lời.
- Này, bọn nô lệ của Quy-Pi-“Đông”[1], đừng có mà trống lảng. Những lời lão phu nói chưa làm đầu óc tối tăm của các ngươi sáng thêm tí nào ư?
- Im đi, thằng hiệp sĩ loẻo khoẻo! Mi muốn ta...
- Muốn làm sao? Muốn đi kiện vì bị lão phu xúc phạm đến “quyền được ngu dốt” hả? Ha ha, trí thông minh chẳng tỷ lệ thuận với trọng lượng tí nào - Nó nói rồi phi ra cửa thoát thân.
Trống vào lớp. Nó đi qua bàn Diễm nheo nheo mắt khiêu khích. Diễm làm ngơ không nói gì, đợi nó ngồi xuống, Diễm quay lại nói với Hà kều.
- Hà ơi! Mày kể đến đâu rồi nhỉ?
- À, đến đoạn hai nhà hẹn gả con cho nhau. Mà hai anh chị lại học cùng lớp mới tuyệt chứ. Thôi vào rồi, lúc nào tao kể tiếp.
Diễm cười. Hay nhỉ, mới đẻ ra đã có chỗ rồi, thảo nào, ra vẻ gớm. Nó giật mình. Quái, sao lũ quỷ này cái gì cũng biết thế nhỉ.
Dạy môn Giáo dục công dân ở lớp nó là cô An vừa mới ra trường. Cô có đôi mắt rất đẹp, nhưng đôi mắt kính còn đẹp hơn. Cô giáo vào lớp và bắt đầu giảng bài, loanh quanh một lúc cô nói đến luật hôn nhân và gia đình. Nó nghĩ vẩn vơ. “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nếu thật vậy thì cô An có cánh cửa tâm hồn bằng kính, cửa kính khung nhôm...”. Nó suýt cười thành tiếng.
- Đông có ý kiến gì không?
Nó đứng bật dậy:
- Thưa cô, luật pháp quy định một vợ, một chồng – Nó đọc mấy chữ trên bảng.
- Sao em phản đối điều đó à? - Nó cảm thấy mọi ánh mắt đang đổ dồn phía nó.
- Dạ, không. Nhưng... - Một tia sáng lóe lên trong đầu nó - Nhưng theo em được biết thì pháp luật thừa nhận những đứa con ngoài giá thú.
- Điều này cũng đúng.
- Nếu thế thì chẳng hóa ra là luật pháp xui người ta có con rơi.
- Hơ, hơ... - Nó nghe thấy đứa nào đó cười.
- Ơ... Không thể thế được! - Cô An tỏ ra hơi lúng túng trước tình huống ngoài dự tính.
- Thưa cô, em hiểu: pháp luật xem xét vấn đề nhiều khía cạnh. Em không dám phản đối. Em chỉ nêu ra ý kiến của cá nhân em theo logic thông thường thôi ạ.
- Ừ, đúng thế, đúng thế. Tôi hoan nghênh cách học của em. Tuy nhiên, đúng như em nói, phải xem xét vấn đề một cách toàn diện. Ví dụ như vấn đề nhân đạo... chẳng hạn. Ngồi xuống đi.
Nó ngồi xuống, tim đập như chuông xe điện.
Một, hai, ba, năm, bảy, mười, lại đi học muộn rồi. Hừ, không sao, bị nhắc nhở nhưng lại được về sớm. Đúng là nghịch lý, à không hợp lý đấy chứ. Càng lớn, nó càng thấy lắm cái hợp lý mà theo logic thông thường lại có vẻ như là vô lý. Nó lững thững bước, tay bóp cái dây đeo chìa khóa hình trái tim đỏ chót kêu chút chít, miệng ư ử hát: “Tình như nắm xôi, tình chấm vào môi ai mà không thèm...”.
Nó chạm mặt Quỳnh ở cầu thang. Hôm nay, đến phiên Quỳnh trực đội cờ đỏ.
- Này! - Nó chìa cho Quỳnh tấm thẻ học sinh.
Quỳnh lắc đầu, môi mím chặt. Nó không để ý.
- Ơ, sao hôm nay thầy chủ nhiệm lại dạy giờ kỹ thuật công nghiệp thế này?
- Thưa...
- Không phải thưa gửi gì cả. Quỳnh vào lớp đi. Cậu đứng ở đấy. Hôm nào cậu cũng đi học muộn, cậu mạo chữ ký phụ huynh cậu Tuấn lớp C, gây rối trong giờ cô An, cậu làm kiểm điểm thay cậu Hùng. Cậu giỏi lắm.
Nó ớ người ra. Thầy chủ nhiệm đang giận. Cả lớp im phăng phắc.
- Được lắm, cậu muốn viết kiểm điểm chứ gì. Mời nhà kiểm điểm học xong xuống văn phòng đợi tôi.
Nó lầm lũi xuống văn phòng. Thằng học trò cưng lần đầu tiên bị thầy quở trách nặng lời.
Thứ bảy, về đến nhà, nó thấy mẹ Quỳnh đang ngồi với mẹ của nó. Nó chào hai bà mẹ rồi đi vào nhà trong.
- Anh Đông, kể chuyện ông râu xồm cho em nghe.
Thằng Tuấn, em Quỳnh, học lớp 5 túm lấy nó.
- Ừ, vào đây.
... Một hôm, ông râu xồm say rượu ngủ ở lều canh cá. Thằng bạn anh nghĩ cách trả thù. Nó buộc nửa hòn gạch vào một đầu của sợi dây gai, còn đầu kia buộc vào đám râu rậm rạp của lão. Xong rồi bọn anh đặt nửa hòn gạch lên ngực lão ấy.
- Lão ấy có biết không?
- Không, ngủ say biết khỉ gì. Tiếp theo bọn anh trèo lên ngọn cây sung, nấp vào tán lá theo dõi. Một tiếng sau, lão râu xồm tỉnh giấc. Thấy hòn gạch đặt trên ngực, lão chửi: “Mẹ cha đứa nào chơi xỏ ông” rồi giận dữ ném hòn gạch thật mạnh. Ái da! Hòn gạch bay vụt đi và râu lão ta bị giật một cú đau nhói.
Thằng Tuấn bò ra cười. Hết cơn nó hỏi:
- Thế lúc ấy bạn anh có cười không?
- Anh thấy nó bảo là buồn cười gần chết nhưng cắn răng nhịn.
- Thế lão râu xồm có bị rụng râu không?
- Tuấn ơi! Ra chào bác rồi đi về con! - Mẹ Quỳnh bảo – Đông, thỉnh thoảng sang nhà bác chơi nhé. Nó vâng, dạ.
Thò mặt vào cửa lớp, Diễm bảo: Ô, em tôi. Sắp bão rồi đây. Đi học sớm nhỉ.
Nó vứt cặp xuống bàn kể: “Đầu chợ có vụ đánh ghen dã man quá mà không dám đỗ lại xem”.
Thấy Hà kều lại chuẩn bị mắt tròn, mắt dẹt, Diễm nạt: lại sắp sửa sốt đấy.
Nó nhăn nhở:
- Thật mà, hai gã gà trống đá nhau túi bụi vì một ả gà mái.
Trống vào lớp. Lớp trưởng thông báo: Bí thư Chi đoàn - Quỳnh - ốm. Bố mẹ nó và bố mẹ của Quỳnh là chỗ thân thiết và cái chuyện hứa hẹn thông gia giữa hai nhà là hoàn toàn có thật. Nó và Quỳnh học cùng nhau từ lớp 4, có một dạo hai đứa rất thân nhau. Nó lánh xa Quỳnh từ năm lớp 8 khi bị bạn bè chế giễu. Còn Quỳnh hầu như không nói gì với nó từ năm lớp 11 sau khi phát hiện ra nó làm quân sư cho thằng Nam lớp K “cưa” Quỳnh. Đến bây giờ, nó cũng không hiểu tại sao nó lại nhiệt tình giúp Nam đến thế.
Thứ hai, Quỳnh vẫn không đến lớp.
Thứ ba, cả lớp đi thăm Quỳnh. Thằng Tuấn lôi tuột nó lên gác đòi kể chuyện ông râu xồm.
Nó lại bịa chuyện râu xồm bị chó đuổi làm thằng Tuấn cười lăn, cười bò. Xuống dưới nhà thì bọn chúng đã về từ bao giờ. Mấy ngày mà Quỳnh xanh và gầy nhiều quá. Tự dưng một cảm giác xót xa len vào lòng nó.
- Tuấn có vẻ hợp Đông nhỉ! - Quỳnh đưa cho nó chén nước và nói.
- Hợp nhưng đừng giống, kẻo lại chuyên đời đi học muộn, lại vô lễ với cô giáo, lại...
- Lại làm gián điệp đôi, làm quân sư tình yêu nữa chứ! - Quỳnh cắt lời nó.
Đột nhiên nó bắt gặp ánh mắt như giận dỗi của Quỳnh.
- Quỳnh có lỗi gì với Đông mà Đông thù ghét Quỳnh đến thế.
Nó nghe tim buốt nhói, cứng lưỡi, chẳng nói được câu nào.
- Thế... - Quỳnh định nói, rồi lại thôi. Rồi như không kìm được Quỳnh nói tiếp - Đông có biết Quỳnh nghĩ như thế nào khi Đông chìa thẻ học sinh vào mặt Quỳnh không?
Nó ngây người ra, cái mặt lúc ấy chắc nom tội nghiệp lắm.
Mắt Quỳnh long lanh hai giọt nước.
- Đông, Đông...
- Ơ anh vẫn còn ở đây mà không kể nốt cho em nghe chuyện ông râu xồm à?
- Ờ, ờ anh sắp về đây, mai anh kể nốt cho mà nghe.
- Mai anh đến nhé.
- Ừ.
Quỳnh đưa nó ra đến cổng. Nó quay lại nhìn Quỳnh nói khẽ:
- Vào nhà đi, ở ngoài này gió, ốm lại thì... khổ.
Quỳnh nhìn nó, mắt cười.